Tiếng Việt | English

24/12/2024 - 16:30

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Đổi mới tư duy, đưa nông nghiệp 'cất cánh'

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tích cực hỗ trợ nông dân (ND) đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất, đặc biệt là Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã và đang đạt nhiều kết quả tích cực. ND dần thay đổi từ sản xuất theo hướng truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp hướng đến sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.

Những chuyển biến tích cực

Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền được kết hợp chặt chẽ từ tỉnh đến huyện bằng nhiều hình thức đã góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động và người dân tham gia thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Các sở, ngành, địa phương quan tâm xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện bảo đảm bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đã đề ra, qua đó, góp phần đạt kết quả trên nhiều mặt.

Nổi bật là tạo được chuyển biến trong nhận thức của người dân, từng bước thay đổi tập quán canh tác theo truyền thống.

Cùng với đó, ND có ý thức trong việc sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới; đa dạng chủng loại cây trồng canh tác (phát triển diện tích dưa lưới, tăng diện tích trồng hoa, nhất là các loại có giá trị kinh tế cao); sản phẩm làm ra có chất lượng hơn, được thị trường chấp nhận, nhất là phân khúc thị trường có giá trị tăng thêm lớn.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, các tuyến kênh nội đồng được nạo vét, các công trình điện và trạm bơm được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp ƯDCNC.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, đến nay, toàn huyện có gần 1.340ha rau ƯDCNC và 537,2ha tôm ƯDCNC. ND có ý thức trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới. Sản phẩm làm ra có chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Ứng dụng máy cấy mạ khay vào sản xuất lúa giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng lúa

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình VietGAP,...

Các công trình giao thông, thủy lợi được quan tâm đầu tư phục vụ tưới tiêu, bảo vệ sản xuất, tạo điều kiện cho ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh, HTX tổ chức cho thành viên sản xuất rau theo mô hình ƯDCNC như sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, giữ cân bằng hệ sinh thái; ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; sản xuất trong nhà lưới để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và dịch hại, đạt tiêu chuẩn rau an toàn tiến tới đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo chuỗi,... tổng diện tích sản xuất của thành viên HTX khoảng 45ha, trong đó có 4,9ha rau đạt chứng nhận VietGAP và 5 sản phẩm OCOP 3 sao.

“Ngành Nông nghiệp từ tỉnh đến huyện thường xuyên tạo điều kiện, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cho các thành viên HTX. Bên cạnh đó, HTX cũng họp lệ kỳ 2 tháng 1 lần để các thành viên có nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm sản xuất hiệu quả hơn” - ông Trần Thanh Minh cho biết.

Các mô hình nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò

Thời gian qua, việc xây dựng các mô hình điểm chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh hỗ trợ 62 con giống bò cái sinh sản tại 5 mô hình điểm, hỗ trợ chuyển đổi 285 con bò cái sinh sản cho 59 hộ để cải tạo đàn bò cái sinh sản trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ và Thủ Thừa. Riêng trong năm 2024, tỉnh thực hiện hỗ trợ 52 con bò cái sinh sản cho 15 hộ tham gia chuyển đổi giống.

Hầu hết các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế và đáp ứng theo yêu cầu của chương trình là chủ động được nguồn bò giống, nâng cao giá trị đàn bê con tăng hơn 30% giá trị cũng như trọng lượng, khoảng cách 2 lứa đẻ khoảng từ 2-3 năm/con đã giảm còn khoảng 2 năm/con, thậm chí có những hộ giảm còn khoảng 14 tháng/con. Qua đó, rút ngắn được thời gian tăng đàn, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 59.672ha diện tích lúa ƯDCNC, đạt 99,5% kế hoạch giai đoạn 2016-2025; có 2.083ha rau ƯDCNC, đạt 104,1% kế hoạch 2021-2025; có 5.849ha thanh long ƯDCNC, đạt 97,5% kế hoạch 2021-2025; có 4.114ha chanh ƯDCNC, đạt 137,1% kế hoạch 2021-2025; hỗ trợ 62 con giống bò cái sinh sản tại 5 mô hình điểm, hỗ trợ chuyển đổi 285 con bò cái sinh sản cho 59 hộ để cải tạo đàn bò cái sinh sản trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ và Thủ Thừa.

Xu hướng tất yếu

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, sau gần 10 năm triển khai, thực hiện, đến thời điểm này, có thể nói chương trình đã “về đích” sớm hơn so với dự kiến.

Đạt kết quả này, ngay từ đầu, tỉnh xác định rõ vùng sản xuất nông nghiệp để tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đồng hành, đầu tư kho bãi, nhà máy chế biến nông sản.

Đồng thời, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng là 1 trong 3 chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh và được HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù để thực hiện nên quá trình triển khai chương trình cũng không gặp nhiều khó khăn, toàn ngành Nông nghiệp từ tỉnh đến huyện đã phối hợp thực hiện đồng bộ, khoa học và hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm (bìa trái) cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệpvà Phát triển nông thôn khảo sát mô hình trồng rau trong nhà màng ở huyện Tân Trụ

ƯDCNC vào sản xuất là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Trong thời gian thực hiện chương trình, nhận thức của ND về sự cần thiết ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất ngày càng rõ nét hơn.

Qua đó, khẳng định tính đúng đắn của chương trình trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức và tư duy của ND từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đồng thời, triển khai chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho ND nhằm nâng cao hiệu quả sản suất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản.

Ngoài ra, ngành cũng tiếp tục củng cố, phát triển các HTX, tổ hợp tác liên kết tiêu thụ nông sản, tập trung chuyển đổi số và đầu tư hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm.

Tỉnh đã và đang nỗ lực ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản địa phương.

Thông qua các chính sách hỗ trợ, đầu tư và định hướng phát triển, Long An dần trở thành một trong những điểm sáng về ƯDCNC trong nông nghiệp, đóng góp lớn vào sự phát triển KT-XH của tỉnh./.

Các mô hình nuôi bò thịt ƯDCNC không chỉ thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống của ND mà còn giúp nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò, tạo ra các thế hệ bò lai có ngoại hình đẹp, có khả năng phát triển tốt nên một số bê lai sinh ra được người dân giữ lại làm giống thay thế những con bò cái có năng suất thấp”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phương

Thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật của ngành Nông nghiệp huyện, tỉnh, tôi được trang bị thêm nhiều kiến thức về sản xuất nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, giúp tôi giảm được chi phí đầu vào, nâng cao được chất lượng sản phẩm đầu ra”.

Ông Đặng Hữu Lợi (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng)

Sản xuất hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao 

Đến nay, chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết