Câu chuyện đổi đời
Thấy có khách đến nhà, anh Đoàn Văn Hương đang làm hồ gần đó vội về mở cửa, mời trà. Căn nhà mới xây của anh còn thơm mùi gạch mới, nội thất hầu như chưa có gì nhưng đó là tất cả gia tài của vợ chồng anh đến thời điểm hiện tại. Nhìn căn nhà mới cao ráo, thoáng mát, anh Hương nói: “Nhờ có chính quyền địa phương quan tâm vận động xây tặng vợ chồng tôi căn nhà tình thương, cả nhà mới thoát được cảnh nhà dột, cột xiêu. Có nhà mới rồi, vợ chồng tôi đi làm cũng an tâm, mùa mưa này không còn lo lắng gì nữa!”.
Căn nhà mới cao ráo, thoáng mát là niềm vui của gia đình anh Hương
Vợ chồng anh Hương thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhà không có đất sản xuất lại có 2 con nhỏ, vợ chồng anh khá chật vật trong thời gian vợ anh lâm bệnh không thể lao động được. Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh, các đoàn thể xã Nhơn Hòa tạo điều kiện cho anh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ đó, anh thuê đất sản xuất. Với sự chăm chỉ, chịu khó, vợ chồng anh tích lũy được chút vốn mở rộng sản xuất. Sau thời gian điều trị, vợ anh khỏe lại, đi làm công nhân. Thu nhập gia đình anh bắt đầu ổn định. Khi được xã xét tặng nhà tình thương, vợ chồng anh Hương như “mở cờ trong bụng” và tự hứa quyết tâm chăm chỉ làm ăn để nhanh chóng thoát nghèo.
Ngồi trong căn nhà mới, anh Hương không giấu được niềm vui: “Có được căn nhà như vậy, tôi mừng lắm, giờ cố gắng làm việc để ổn định cuộc sống, nhanh chóng thoát nghèo, chứ thanh niên mà, đâu thể nghèo hoài được!”. Và lời nói của anh được chứng minh khi anh Hương là một trong những hộ được dự kiến thoát nghèo vào cuối năm nay. Phó Chủ tịch HĐND xã Nhơn Hòa - Trần Thị Trúc Mai cho biết: “Vợ chồng anh Hương tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng rất có chí cầu tiến và nhiệt tình trong công tác đoàn thể. Mặc dù không có đất sản xuất, làm ruộng thuê nhưng anh được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp. Khi được hỗ trợ vốn, vợ chồng anh sử dụng khá hiệu quả để cải thiện cuộc sống của mình!”. Trường hợp của anh Hương là một ví dụ cụ thể về hiệu quả mà chương trình Về nguồn mang lại cho Nhơn Hòa từ đầu năm 2018 đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhơn Hòa được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương với tổng kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Vực dậy” một xã nghèo
Không chỉ quan tâm chăm lo các hộ có hoàn cảnh khó khăn, chương trình Về nguồn của huyện còn giúp xã Nhơn Hòa thay đổi bộ mặt nông thôn với hàng loạt công trình cầu, đường giao thông, kinh phí hàng tỉ đồng. Đường kênh Phụng Thớt nối dài, vừa được đưa vào sử dụng không lâu, tạo sự phấn khởi trong người dân địa phương. Nói về tuyến đường này, bà Mai cho biết: “Trước đây, khi tuyến đường này chưa được huyện đầu tư xây dựng, người dân phải đi đường vòng rất xa. Tuyến đường dài 3,4km, nối ấp Gò Nôi và ấp Hải Hưng, giờ là trục giao thông chính của người dân trong khu vực”. Bà Mai kể, Nhơn Hòa là xã khó khăn, nhiều nơi trong xã chưa có đường đi, người dân chủ yếu đi lại bằng đường sông hoặc đi đường vòng rất vất vả. Nhờ có chương trình Về nguồn mà nhiều tuyến đường chính được xây dựng làm nức lòng dân.
Bí thư Chi bộ ấp Hải Hưng - Trần Ngọc Anh cũng khẳng định điều đó. Bà nói: “Trước đây, con tôi đi học đều phải qua sông đi đường bên kia sông, có hôm không có xuồng đưa rước, cháu phải lội qua sông để về nhà.
Người dân trong vùng này cũng vậy, giao thông chưa được đầu tư nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Giờ thì khác rồi!”. Cái “khác” mà bà Ngọc Anh nhắc tới chính là những con đường mới, cụ thể là đường bờ Nam kênh 7 Mét đi ngang qua trước cửa nhà bà và rất nhiều hộ dân khác trong ấp Hải Hưng. Đây là tuyến đường nối liền ấp Hải Hưng với xã Kiến Bình. Khi đoạn đường này được đưa vào sử dụng đã rút ngắn đáng kể quãng đường đi thị trấn Tân Thạnh của người dân trong vùng. Và như để bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với sự quan tâm của huyện dành cho địa phương, người dân sống 2 bên tuyến đường tổ chức trồng hoa mười giờ dọc theo tuyến đường làm cho con đường mới lại càng thêm đẹp.
Đường bờ Nam kênh 7 Mét mới được đưa vào sử dụng, được người dân trồng hoa dọc 2 bên đường
Tiếp tục đi dọc đường bờ Nam kênh 7 Mét, chúng tôi gặp cầu kênh Sẻo Điển cũng đang trong quá trình xây dựng. Với tổng kinh phí đầu tư 350 triệu đồng, cây cầu này hứa hẹn phục vụ cả xe máy và xe 4 bánh. Khi chúng tôi đến, có khá đông người dân giám sát quá trình thi công của đơn vị nhận thầu. Là người am hiểu địa hình, đất đai trong khu vực nên người dân giúp đơn vị thi công không ít lời khuyên thiết thực để công trình hoàn thành vừa nhanh, vừa bảo đảm hiệu quả.
Quả thật, chỉ một chuyến đi vòng quanh xã Nhơn Hòa, chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui và sự tin tưởng của người dân vào chính quyền địa phương nói riêng và Tân Thạnh nói chung, đúng như phát biểu của Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa - Nguyễn Văn Kiển: “Các hoạt động trong đợt Về nguồn của huyện thật sự có ý nghĩa cho địa phương, tạo được niềm tin và sự phấn khởi trong người dân trên địa bàn xã. Có thể nói, sau khi được quan tâm hỗ trợ trong đợt Về nguồn, bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của xã được nâng lên rõ rệt. Đời sống người dân từng bước được cải thiện. Và đó chính là động lực phát triển cho xã”.
Nhơn Hòa hiện vẫn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Tân Thạnh với 16,56% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp. Nhờ hoạt động Về nguồn mà nhiều mặt kinh tế, đời sống của Nhơn Hòa được nâng lên. Ðây chính là đòn bẩy để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Nhơn Hòa tiếp tục khắc phục khó khăn, xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới!
Đến tháng 9/2018, Nhơn Hòa được đầu tư:
- 14 công trình xây dựng cơ bản với tổng kinh phí dự toán trên 15 tỉ đồng do Nhà nước và nhân dân cùng làm;
- Xây dựng và sửa chữa 5 nhà tình nghĩa;
- Xây dựng 31 nhà tình thương (trong đó có 3 căn chưa triển khai).
- Ngoài ra, xã còn tiếp nhận 16 đợt tặng quà với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng cùng một số quà tặng khác được mạnh đường quân đảm nhận tài trợ.
|
Phương Phương