Gia cố đường giao thông nông thôn
Nhơn Hòa Lập ngày ấy
Nhơn Hòa Lập vốn là “hậu bối” của 2 làng Nhơn Ninh và Tân Lập, quận Mộc Hóa trước kia. Với vị trí rất quan trọng, một điểm căn cứ Đồng Tháp Mười, trên tuyến kênh Dương Văn Dương, Nhơn Hòa Lập là địa bàn đóng quân của các cơ quan đầu não cấp xứ, cấp khu, cấp tỉnh, huyện. Khi là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đồng chí Lê Duẩn từng sống tại nhà của ông Nguyễn Văn Siêu (ông Hai Độc Lập) từ năm 1947-1950. Nơi đây cũng là điểm hội trường (nhà của má Tám (Nguyễn Thị Thay) và là nơi Xứ ủy Nam bộ trú đóng để chỉ đạo kháng chiến và phong trào cách mạng ở Nam bộ.
Những năm kháng chiến chống Pháp, Nhơn Hòa Lập vừa là căn cứ địa cách mạng, vừa là hành lang chiến lược quan trọng của Khu 8, của Miền. Vì Mộc Hóa là trung tâm của Đồng Tháp Mười nên xã Nhơn Hòa Lập là tế bào, hạt nhân, còn kênh Dương Văn Dương là xương sống, do đó thực dân Pháp lấy nơi đây làm mục tiêu tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng ở Nam bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, địch cũng chọn nơi đây là mục tiêu tiêu diệt căn cứ cộng sản ở vùng Đồng Tháp Mười, thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”.
Trường THCS Nhơn Hòa Lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia
Theo lời kể của nhiều cụ cao niên, Nhơn Hòa Lập trước đây là một trong những nơi khó khăn ở vùng đất bưng biền Đồng Tháp Mười, nửa năm nắng hạn, nửa mùa nước dâng. Từng gia đình, từng xóm, ấp phải trải qua hàng chục lần bị bom đạn kẻ thù tàn phá nhưng vẫn kiên cường bám trụ để sản xuất và chiến đấu cho đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Quyển sách truyền thống lịch sử 30 năm đấu tranh của Nhơn Hòa Lập có ghi: Ở đây không có “núi, rừng bao che cho bộ đội, vây lấn kẻ thù” mà chỉ có lòng dân với “tràm xanh, lau, sậy che cho bộ đội, du kích” nhưng đã tạo nên sức mạnh thần kỳ, đánh thắng hai kẻ thù, quét sạch bóng xâm lăng. Với thành tích đã đạt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Nhơn Hòa Lập vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Thay “áo mới”
Những năm đầu sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nhơn Hòa Lập cùng ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Theo đó, Đảng bộ lãnh đạo người dân nhường cơm, sẻ áo trong khó khăn, hoạn nạn; người dân tại chỗ giúp đỡ người dân ở địa phương khác lên lập nghiệp; giúp đỡ về mọi mặt để đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng lương thực. Mặt khác, xã tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất mới, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp công, góp của xây dựng các công trình dân sinh theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Trạm Y tế xã đang được xây mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Hơn 43 năm qua, xã Nhơn Hòa Lập từ một vùng đất hoang hóa, sản xuất lúa một vụ với năng suất thấp, kênh, mương bị lấp cạn, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực, phát triển nông nghiệp của huyện Tân Thạnh. “Trái ngọt” này nhờ sức mạnh ý Đảng - lòng dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện. “Nhơn Hòa Lập hôm nay không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà đời sống của người dân được cải thiện toàn diện. Trường học, trạm y tế, hệ thống đường giao thông, điện, nước được đầu tư theo tiêu chuẩn nông thôn mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân” - ông Lê Văn Cẩm (SN 1964), ngụ ấp Bùi Thắng, phấn khởi bộc bạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập - Nguyễn Văn Ký thông tin: “Là xã thuần nông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 xác định, diện tích sản xuất đến năm 2020 là 7.311ha/năm, sản lượng lương thực cả năm 45.136 tấn. Năm 2017, xã thực hiện đạt 7.900ha (đạt 108%), sản lượng đạt 51.675 tấn (đạt 114%). Việc chuyển đổi cây trồng cũng được địa phương quan tâm. Năm 2016, nông dân chuyển đổi 10ha đất trồng lúa sang trồng sen, ớt, dưa hấu; năm 2017 chuyển đổi 20ha; năm 2018 chuyển đổi 10ha. Nhờ đó, thu nhập tăng lên nhiều lần so với trồng lúa. Cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm còn 3,74%”.
Đường giao thông nông thôn được bêtông hóa, người dân trồng hoa, cây xanh để tạo cảnh quan môi trường
Những đổi thay của Nhơn Hòa Lập hôm nay là “quả ngọt” từ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân. Phát huy truyền thống anh hùng, Nhơn Hòa Lập tiếp tục xây dựng quê hương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu xây dựng vùng kháng chiến cũ thành xã đạt chuẩn nông thôn mới./.
An Kỳ