Hệ thống kênh, mương, thủy lợi ngày càng hoàn thiện giúp Tân Hiệp chủ động tưới tiêu trên 80% diện tích sản xuất nông nghiệp
Bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc
Về xã biên giới Tân Hiệp vào những ngày này, trên mọi nẻo đường, cờ hoa rực rỡ chào đón kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9. Năm nay, không khí đón mừng Ngày Quốc khánh càng vui tươi, rộn ràng hơn khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đón chào kỷ niệm 30 năm thành lập huyện và xã. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Huỳnh Thị Nga bộc bạch: “Tân Hiệp là vùng đất trấp “rùng rình”, một trong những vị trí chiến lược quan trọng, nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Chiến tranh kết thúc, vùng biên giới phải chịu hậu quả nặng nề; kinh tế nghèo nàn, sản xuất lạc hậu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, bộ mặt vùng biên ngày càng khởi sắc”.
Nét khởi sắc dễ dàng nhận thấy ở xã vùng biên giới Tân Hiệp sau 30 năm thành lập là kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản đáp ứng yêu cầu thông thương, đi lại của người dân. Hệ thống kênh, mương, thủy lợi ngày càng hoàn thiện, chủ động tưới tiêu trên 80% diện tích sản xuất nông nghiệp (2.750ha). Đặc biệt, các tuyến đường trục chính nội đồng (5,7km) được đầu tư, xây dựng bảo đảm vận chuyển hàng hóa. Ông Trịnh Văn Lâm, ngụ ấp 2, xã Tân Hiệp, phấn khởi: “Các cây cầu khỉ ngày nào giờ được xóa bỏ, thay vào đó là những cây cầu vỉ, bêtông vững chắc. Những công trình phục vụ sản xuất dân sinh được đầu tư, nhất là hệ thống kênh, mương nội đồng được xây dựng, nạo vét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất”.
Phước Đông là một trong những địa phương vùng hạ, dọc theo sông Vàm Cỏ của huyện Cần Đước. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, người dân nơi đây đoàn kết chống lại kẻ thù, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bí thư Đảng ủy xã Phước Đông - Huỳnh Văn Bánh chia sẻ: “Hòa bình lập lại, xã bắt tay vào xây dựng quê hương với điều kiện tự nhiên không được thuận lợi. Người dân phải đối mặt tình trạng “khát nước” sinh hoạt; đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh; thiếu trường, lớp;… Với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân, đến nay, nhiều công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo khó ngày nào”.
Trên nền tảng xã văn hóa (năm 2015), Phước Đông nỗ lực xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào đầu năm 2019 (trước lộ trình). Đến nay, hệ thống trường, lớp, bưu điện văn hóa, trạm y tế đều được xây dựng khang trang. Hàng năm, 100% hộ dân đăng ký 3 nội dung gia đình văn hóa, qua bình xét đạt trên 97,4%; 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, có 7/7 ấp văn hóa. Phong trào thể dục - thể thao được duy trì và phát triển; công tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, hộ nghèo,... được quan tâm thực hiện.
Đường giao thông nông thôn ở Phước Đông ngày càng được đầu tư khang trang, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn
Cải thiện cuộc sống
Thời gian qua, Tân Hiệp tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, đặc biệt là đẩy mạnh các mô hình kinh tế tập thể góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đến nay, hộ nghèo của xã còn 3,26% (năm 2018), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 37 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của người dân vùng biên gặp rất nhiều khó khăn, có đất nhưng không thể sản xuất được nên con cháu đều đi làm ăn xa. Từ khi địa phương chuyển giao những mô hình sản xuất phù hợp, kinh tế nhiều hộ gia đình có bước tiến triển hơn trước. Ngoài cây lúa, nhiều hộ còn đầu tư nuôi bò, trồng chanh không hạt, dưa hấu,... mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Đến nay, Tân Hiệp đạt 15/19 tiêu chí xã NTM. Vùng biên đang nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM sau năm 2020. “Xác định sản xuất nông nghiệp là chính, thời gian tới, xã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, xã tiếp tục xây dựng hệ thống đê bao lửng, trạm bơm điện, đẩy mạnh cơ giới hóa, tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân” - bà Huỳnh Thị Nga thông tin.
Ngoài cây lúa, Phước Đông còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt, chương trình nuôi thủy sản phát triển, nhất là nuôi tôm sú, tôm thẻ ngày càng nở rộ với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi, giảm hộ nghèo còn 0,83%.
“Địa phương tập trung triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp: Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn nông dân sử dụng giống lúa có năng suất và chất lượng cao; triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao;… Đồng thời, duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM đã đạt, phấn đấu sớm về đích NTM nâng cao” - ông Huỳnh Văn Bánh chia sẻ.
Với những nỗ lực, phấn đấu, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, làng quê Tân Hiệp, Phước Đông từng ngày “thay da, đổi thịt”, đời sống người dân không ngừng được nâng lên./.
Phong Nhã