Chuyển mình nơi vùng đất biên cương
Trưởng ấp Sậy Giăng, xã Bình Thạnh - Đinh Văn Tàu chia sẻ: Chỉ vài năm trước, hệ thống giao thông chưa được đầu tư, các ấp vẫn bị chia cắt bởi kênh, rạch, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến hôm nay, ông có thể tự hào khoe: “Bình Thạnh đã khác nhiều rồi! Hai tuyến đường chính của xã kết nối với trung tâm huyện đều được trải nhựa phẳng lì. Những con đường liên ấp, kênh, mương nội đồng cũng kịp hoàn thành từ chính sức dân và sự quan tâm đầu tư của Nhà nước. Người dân đều phấn khởi trước sự phát triển của địa phương”.
Hệ thống giao thông của xã Bình Thạnh được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân
Theo ông Tàu, đổi thay lớn nhất mà ai cũng cảm nhận được là hệ thống giao thông ngày càng khang trang, đồng bộ với đường liên xã Bình Hòa Đông - Bình Thạnh, đường ra biên giới giai đoạn 2 cùng các tuyến đường liên ấp như đường bờ Bắc kênh 61, đường bờ Tây kênh Đường Bàng. Ngoài ra, hệ thống trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cũng được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, chăm sóc sức khỏe của người dân trong xã.
Trên tuyến đường Bình Hòa Đông - Bình Thạnh, mùa này, những thửa ruộng bắt đầu xanh màu lúa, những chiếc máy bơm liên tục nổ máy đưa nước về tưới mát cho những mầm xanh. Xa hơn, dọc tuyến đường tuần tra biên giới từ xã Bình Thạnh đi xã Bình Hòa Tây là những ruộng dưa hấu xanh mướt, trĩu quả. Hàng chục chiếc xe tải của các thương lái từ tỉnh Tây Ninh, Bình Dương đậu san sát chờ đến lượt thu mua dưa hấu.
Những ruộng dưa xanh tốt của người dân xã Bình Thạnh cặp đường tuần tra biên giới
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - Nguyễn Thành Phuông, trong khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân trong xã có bước phát triển vượt bậc. Năng suất, sản lượng lúa được nâng lên nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật. Những diện tích đất sản xuất lúa có năng suất thấp được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như mít, dừa, sầu riêng, chanh,... với gần 220ha. Ngoài ra, tận dụng thời gian giữa 2 vụ lúa, nhiều hộ nông dân còn luân canh trồng dưa hấu với năng suất từ 35-40 tấn/ha. “Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 64,3 triệu đồng/năm, đạt tiêu chí (TC) về thu nhập trong bộ TC xây dựng nông thôn mới (XDNTM)” - ông Nguyễn Thành Phuông thông tin.
Với giá bán hiện tại, người dân trồng dưa hấu có lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng/ha
Phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới
Ông Nguyễn Thành Phuông cho biết, những đổi thay của xã Bình Thạnh hôm nay đến từ thành quả của chương trình XDNTM. Với đặc thù xã biên giới, xa trung tâm nên thời điểm phát động XDNTM xã gặp không ít khó khăn, nhất là việc huy động nguồn lực để thực hiện các công trình. Tuy nhiên, xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, XDNTM phải bắt nguồn từ chính mỗi người dân. Do đó, thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhận được sự đồng thuận cao, người dân tích cực đóng góp, tham gia thực hiện chương trình XDNTM. Từ năm 2020 đến nay, người dân trong xã góp công, hiến đất làm đường với tổng số tiền quy đổi trên 10 tỉ đồng, góp phần hoàn thành các TC XDNTM.
Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, năm 2022, xã Bình Thạnh hoàn thành 19/19 TC XDNTM. Tuy nhiên, cuối năm 2022, khi bộ TC mới được áp dụng, qua rà soát, đánh giá lại, hiện xã chỉ đạt 12/19 TC. “Dù bộ TC mới có nhiều TC rất khó đạt và cần mức đầu tư cao nhưng địa phương cũng xác định lộ trình thực hiện, ưu tiên những TC dễ làm trước, khó làm sau, kết hợp huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân để đầu tư XDNTM. Trong năm 2023, xã phấn đấu hoàn thành 3 TC: Cơ sở vật chất văn hóa, thông tin - truyền thông và lao động qua đào tạo để tạo tiền đề vững chắc đưa xã “về đích” NTM trong năm 2025, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân” - ông Nguyễn Thành Phuông cho biết thêm./.
Nhật Minh