Tiếng Việt | English

30/05/2024 - 09:12

Đổi thay từ Nghị quyết 'Tam nông' (Bài 1)

Nối tiếp những thành tựu đã đạt từ Nghị quyết (NQ) số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Long An tiếp tục triển khai, thực hiện NQ số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. NQ này góp phần làm cho diện mạo nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc; nông nghiệp đổi mới, phát triển và đời sống người dân được nâng lên.

Bài 1: Nông thôn đổi mới

Sau gần 14 năm triển khai, thực hiện NQ số 26-NQ/TW và 2 năm thực hiện NQ số 19-NQ/TW, diện mạo nông thôn của tỉnh ngày càng đổi thay theo hướng khang trang, hiện đại hơn; kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn được đầu tư đồng bộ, toàn diện, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, toàn diện

Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn của tỉnh từng bước khang trang. Những làng quê nghèo khó ngày nào giờ trở thành những miền quê đáng sống bởi hệ thống điện, đường, trường, trạm,... đều được xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết, sau 14 năm triển khai, thực hiện, chương trình XDNTM thực sự trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hưởng ứng, đồng thuận của Nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 132/161 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện Châu Thành).

“Xác định phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển KT-XH mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Thời gian qua, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, bảo đảm đi lại thuận lợi đến trung tâm các xã” - ông Võ Kim Thuần cho biết thêm.

Tân Trụ là 1 trong 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện tập trung, nỗ lực để xây dựng thành công huyện NTM nâng cao trong năm 2024.

Những tuyến đường bêtông rộng 5m giúp người dân huyện Tân Trụ đi lại và giao thương thuận lợi hơn

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, XDNTM, Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 22-NQ/HU, ngày 24/9/2021 về tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn để lãnh đạo, thực hiện. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, toàn huyện hoàn thành 22 tuyến đường theo NQ số 22-NQ/HU với tổng chiều dài khoảng 21km, mặt đường bêtông hoặc nhựa hóa từ 5m trở lên.

Hiểu được ý nghĩa của chương trình XDNTM, từ năm 2010 đến nay, ông Trần Văn Trừ (ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) hiến hơn 1.000m2 để làm đường giao thông nông thôn. Ông Trừ chia sẻ: “Trước đây, tuyến đường Cầu Đình rất nhỏ, hẹp, người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa khá khó khăn.

Từ khi xã có chủ trương mở rộng con đường lên 5m, tôi và người dân xung quanh đây rất đồng tình hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, cây cối và hàng rào để mở rộng tuyến đường. Sau khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại và giao thương của người dân thuận tiện hơn rất nhiều”.

Bên cạnh giao thông, hệ thống trạm y tế xã cũng được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Khánh cho biết: Khi bắt đầu thực hiện chương trình XDNTM, xã có xuất phát điểm khá thấp, do đó, trong quá trình thực hiện các tiêu chí, xã gặp nhiều khó khăn, nhất là về y tế, giao thông, giáo dục và đào tạo.

Nhân viên Trạm Y tế xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng thông tin đến người dân một số căn bệnh đang phổ biến và cách phòng, tránh

“Trạm Y tế xã được xây dựng từ năm 2007 và được sửa chữa, xây dựng bổ sung các phòng chức năng từ năm 2020. Từ đó đến nay, việc khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn xã được bảo đảm hơn, số ca phải chuyển về tuyến huyện, tỉnh giảm đáng kể. Hiện trạm có 6 nhân viên y tế, phục vụ khám, chữa bệnh cho khoảng 300 lượt bệnh nhân/tháng” - ông Trần Văn Khánh cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Lụa (ấp Cả Rưng, xã Tuyên Bình Tây) bộc bạch: “Trước đây, mỗi lần khám bệnh, lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế huyện, tôi thường mất khá nhiều thời gian đi lại. Hiện nay, tôi có thể đến Trạm Y tế xã khám bệnh và lấy thuốc bảo hiểm y tế. Nhờ đó, tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Cơ sở vật chất và trình độ của các nhân viên y tế tại Trạm khá tốt, làm việc cũng cẩn thận và tận tâm nên tôi rất hài lòng”.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Huyện Tân Thạnh thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh, nơi từng là căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau chiến tranh, khi bắt tay vào công cuộc xây dựng, khôi phục, phát triển KT-XH, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Thạnh gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của Nhân dân cùng sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, huyện từng bước vượt qua khó khăn, ra sức dựng xây, diện mạo địa phương không ngừng đổi mới. Đến cuối năm 2023, huyện có 12/12 xã đạt chuẩn NTM.

Xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023. “Thời gian qua, xã tích cực tuyên truyền đến mọi người dân về các chủ trương phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời, hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất;... Hiện thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 68,47 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm 0,45%” - Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Bình - Lê Văn Gặp thông tin.

Chia sẻ về sự “thay da, đổi thịt” của địa phương, ông Trần Văn Sang (ấp Đá Biên, xã Kiến Bình) chia sẻ: “Từ vùng quê nghèo khó, xã Kiến Bình có bước chuyển mình với diện mạo khởi sắc. Những con đường thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang được xây dựng ngày càng nhiều. Người dân rất phấn khởi!”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, để nâng cao hiệu quả chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện hiệu quả cuộc vận động XDNTM, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong XDNTM, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, từng ấp.

Đồng thời, Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn;… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững./.

(còn tiếp)

Bùi Tùng

Bài 2: “Cú hích” cho nông nghiệp phát triển

Chia sẻ bài viết