Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều chủ trương, chính sách từ cấp trên: Gói hỗ trợ Covid-19 cho người dân, DN; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; ngân hàng hỗ trợ cho vay, giải ngân nhanh, cho chậm đóng lãi, không phạt chậm nộp;... được Long An cụ thể hóa, nhanh chóng tổ chức triển khai. Qua đó, hỗ trợ, giúp các DN yên tâm hoạt động, nỗ lực vượt khó ngay từ đầu năm 2022.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp, thực hiện các chỉ đạo từ cấp trên, đơn vị nhanh chóng phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai các chính sách về cho vay để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Tính đến ngày 11/3/2022, đơn vị giải ngân 92 hồ sơ đề nghị vay vốn của 36 người sử dụng lao động với số tiền 100 tỉ đồng để trả lương cho 26.612 lượt người lao động. Trong đó, trả lương ngừng việc 22 hồ sơ của 13 người sử dụng lao động với số tiền 5,5 tỉ đồng cho 1.868 lượt người lao động; trả lương phục hồi sản xuất 65 hồ sơ của 26 người sử dụng lao động với số tiền 94 tỉ đồng cho 24.615 lượt người lao động; 5 hồ sơ của 2 người sử dụng lao động trong lĩnh vực hoạt động vận tải với số tiền 0,5 tỉ đồng cho 129 lượt người lao động.
Đơn vị tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng, bảo đảm chính sách tín dụng ưu đãi được công khai, minh bạch, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn một cách nhanh chóng, kịp thời.
Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Tương tự, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Long An - Đào Văn Nghiệp cho biết: Để triển khai các chủ trương, chính sách từ cấp trên một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần hỗ trợ người dân, DN, chúng tôi cụ thể hóa thành các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, chúng tôi chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đến các tổ chức tín dụng và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, thanh, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong triển khai, thực hiện; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, DN, các hội, hiệp hội trên địa bàn; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn gắn với tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19; tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri (cùng đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An), đối thoại DN (do UBND tỉnh tổ chức). Qua đó, lắng nghe, ghi nhận, giải trình ý kiến của cử tri, DN đầy đủ, kịp thời; chủ động xử lý các vấn đề liên quan về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trong phạm vi thẩm quyền hoặc báo cáo Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh.
Năm 2021, tổng dư nợ cho vay đạt 97.307 tỉ đồng, tăng 15.349 tỉ đồng, tỷ lệ tăng 18,73% so với cuối năm 2020, nợ xấu chiếm 0,33% tổng dư nợ. Ngân hàng chủ động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch là 26.340 tỉ đồng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.099 tỉ đồng, 14.348 khách hàng; cho vay mới: Doanh số lũy kế 45.363 tỉ đồng, dư nợ 8.887 tỉ đồng, 17.500 khách hàng. Kết quả hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, trong đó số dư nợ được hạ lãi suất 24.360 tỉ đồng, số tiền lãi thực đã hạ 240 tỉ đồng, 50.628 khách hàng, mức lãi suất trung bình đã hạ 0,5% - 1,5%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An triển khai một số chính sách, thông tư liên quan cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tạo điều kiện thuận lợi
Theo đại diện Công ty (Cty) TNHH King Loy Enterprise (Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc) - Leung Lai Shun, Cty chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19 lần thứ 4, doanh thu giảm, vòng quay vốn bị chậm, việc thanh toán các khoản nợ gặp khó. Trong đó, những khoản chi phí cố định hàng tháng Cty vẫn phải thanh toán: Lương, chi phí mặt bằng, điện, nước,... tăng thêm gánh nặng cho đơn vị. Cty luôn theo sát các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.
Tại Long An, các chủ trương, chính sách này được tỉnh triển khai nhanh chóng, đặc biệt là cho vay vốn hỗ trợ để DN vượt khó sau dịch. Nhờ đó, Cty có nguồn vốn để chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2022, thanh toán các khoản về lương, phúc lợi cho người lao động. Ngoài ra, Long An còn có nhiều chính sách hỗ trợ, gặp gỡ, trao đổi, kịp thời tháo gỡ khó khăn nên đã tiếp thêm động lực để Cty nỗ lực vượt khó.
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn vay, các chủ trương, chính sách từ cấp trên được tỉnh cụ thể hóa đến từng DN nắm bắt, thực hiện, bảo đảm quyền lợi của DN cũng như người lao động,... Tỉnh thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để DN phục hồi sản xuất sau dịch.
Mặt khác, tỉnh chủ động cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh chủ động gặp gỡ, đối thoại để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho DN khi tái hoạt động và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ DN vượt khó sau dịch.
Các chính sách về vốn vay kịp thời, nhanh chóng đến với các doanh nghiệp
Theo đại điện Cty TNHH Lotte Eco Logis Long An, Cty thực hiện dự án dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa và cho thuê kho bãi tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức. Dự án có diện tích gần 80.000m2 với vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 300 tỉ đồng. Chúng tôi nhận thấy đến đầu tư tại Long An là một quyết định đúng đắn, hợp lý bởi vì ngay thời điểm dịch bệnh phức tạp nhưng Cty vẫn được địa phương hỗ trợ nhiệt tình, hướng dẫn và tinh gọn các thủ tục để sớm được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án được cấp giấy chỉ trong vòng 1 ngày kể từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký và triển khai trong vòng 1 tuần kể từ khi được cấp giấy chứng nhận. Cty rất hài lòng trước cách làm việc, thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận nhanh chóng của địa phương.
Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Anh Hồng (chủ đầu tư Khu công nghiệp Anh Hồng, huyện Đức Hòa) - Lê Anh Hồng chia sẻ: Trong quá trình hoạt động, Cty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo. Trong đó, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho DN,... Điều này tiếp thêm động lực để Cty nỗ lực, vượt khó, phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Thông tin từ UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2025, Long An giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để cụ thể hóa mục tiêu, tỉnh khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình phát triển, Đảng bộ và chính quyền tỉnh quán triệt xuyên suốt trong tư tưởng, hành động ngay từ đầu nhiệm kỳ về quan điểm “xem DN là nguồn lực, động lực của phát triển, xem người dân và DN là đối tượng phục vụ”.
Tỉnh khẳng định cam kết “luôn đồng hành cùng DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh, thành công của DN là thành công của tỉnh”; “chính quyền Long An và cộng đồng DN đã, đang và sẽ mãi đồng hành, gắn kết chặt chẽ với nhau”. Thời gian tới, tỉnh cam kết siết chặt kỷ cương, tính minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhất là trong khâu hỗ trợ giải quyết kịp thời, nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của DN để tạo điều kiện phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19./.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh luôn thẳng thắn, lắng nghe, cầu thị, ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN vì sự phát triển của Long An. Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, DN luôn là nguồn lực, động lực phát triển, Long An luôn đồng hành, hỗ trợ DN. Ông mong muốn DN thường xuyên tương tác, phản ánh để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sau dịch. |
Sơn Quê