Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được thăm và làm việc tại Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc). Ảnh: Ngọc Thạch
Hỗ trợ tối đa
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Trần Văn Tươi cho biết, trong trạng thái “bình thường mới”, DN trên địa bàn huyện nỗ lực phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, đạt nhiều kết quả quan trọng. Thời gian qua, lãnh đạo huyện tăng cường thăm hỏi DN và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, huyện làm cầu nối để các DN hợp tác cùng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho DN phục hồi hoạt động và các DN mới đến đầu tư có môi trường kinh doanh hiệu quả, bền vững. Huyện tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, DN và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Từ đó, tạo động lực, niềm tin cho DN ổn định tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp của huyện những tháng đầu năm 2022 tăng trên 5% so cùng kỳ năm 2021, chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện và cung cấp nước.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trên địa bàn cũng khá tốt, huyện tiếp nhận 95 DN và chi nhánh trong nước với vốn đăng ký trên 635 tỉ đồng và 3 chi nhánh DN đầu tư nước ngoài. Đến nay, huyện có khoảng 2.400 DN và chi nhánh trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư 26.839 tỉ đồng; 117 DN và chi nhánh đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1,326 tỉ USD (chiếm khoảng 13,6% vốn đầu tư toàn tỉnh).
Đặc biệt, công tác hỗ trợ DN bồi thường, giải phóng mặt bằng được huyện xác định là nhiệm vụ hàng tuần, hàng tháng và chỉ đạo các bộ phận có liên quan quyết liệt thực hiện. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngoài tập trung triển khai công tác kê biên, kiểm đếm các công trình trọng điểm của tỉnh, huyện, Bến Lức còn chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 8 dự án (DA) và hoàn thành việc cưỡng chế đối với các trường hợp tại DA Cụm công nghiệp Nhựt Chánh II. Điều này làm cho DN phấn khởi, sớm triển khai DA nhằm cùng huyện thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.
Để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An đã thực hiện cho vay ở đối tượng người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg. Kể từ khi triển khai, thực hiện đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An đã giải ngân 101 hồ sơ vay vốn với số tiền trên 109 tỉ đồng để trả lương cho 29.004 lượt người LĐ. Trong đó, trả lương ngừng việc là 22 hồ sơ của 12 NSDLĐ với số tiền 5,4 tỉ đồng cho 1.868 lượt người LĐ; trả lương phục hồi sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động là 72 hồ sơ của 26 NSDLĐ với số tiền trên 103 tỉ đồng cho 26.991 lượt người LĐ; trả lương phục hồi sản xuất trong lĩnh vực hoạt động vận tải 7 hồ sơ của 3 NSDLĐ với số tiền 568 triệu đồng cho 145 lượt người LĐ.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An - Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết, đơn vị cũng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; gia hạn nợ, tạm hoãn thu lãi trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Phục hồi sản xuất, kinh doanh
Trong những ngày đầu tháng 5, Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm HG (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) được hỗ trợ tham gia diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Vùng Đồng bằng sông Cửu Long “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022”. Qua tham gia, sản phẩm thanh long sấy giòn không dầu được Ban Tổ chức chọn là sản phẩm OCOP tiêu biểu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là cơ hội giúp Cty cung cấp cho thị trường bán lẻ, kênh phân phối hiện đại cũng như khai thác sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao giá trị, chất lượng.
Đa số doanh nghiệp đã trở lại hoạt động ổn định, phục hồi nhanh sau dịch Covid-19
Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm HG - Dương Thị Trúc Giang cho biết, thời điểm này, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã trở lại bình thường như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, thậm chí có phần tươi mới hơn. Nhiều khách hàng trước đây trao đổi thông tin nhưng chưa giao dịch được, nay họ đặt hàng. Bên cạnh đó, dịch bệnh được kiểm soát, các hội chợ, triển lãm, cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh cũng được kết nối, mang đến nhiều thỏa thuận liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các DN tiêu thụ và các chủ thể OCOP. Ngoài thanh long ruột đỏ, trắng, mít sấy giòn, HG có thêm sản phẩm khóm (thơm), xoài sấy giòn. Các sản phẩm này đang được HG đẩy mạnh, tìm nhà phân phối rộng rãi trên thị trường cả miền Nam, Bắc và Tây Nguyên thông qua các hội chợ, triển lãm mà ngành Công Thương làm cầu nối.
Thông tin từ Sở Công Thương, Sở đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ DN phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, kết nối giữa sản xuất với thị trường trong và ngoài nước theo chuỗi cung ứng. Đồng thời, Sở tận dụng và khai thác tối đa các cơ hội để kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Qua đó, hỗ trợ trên 400 lượt DN tham gia hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu, giao thương trực tuyến phát triển thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, thời điểm này, hoạt động hỗ trợ DN cũng đang triển khai, thực hiện thông qua nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương năm 2022. Từ đó, giúp DN cũng như các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận được nguồn vốn đổi mới trang thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa.
Kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19, Long An cũng là địa phương được DN quan tâm, “rót vốn” đầu tư, nhất là ở các khu công nghiệp (KCN). Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, từ đầu năm đến hết tháng 4, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút 39 DA mới (16 DA FDI và 23 DA DDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới 198 triệu USD và 8.295 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 34 DA điều chỉnh tăng vốn, không có DA điều chỉnh giảm vốn.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty TNHH MTV Phú An Thạnh (nhà đầu tư KCN Phú An Thạnh) - Trần Văn Ngọc cho biết, sau dịch Covid-19 đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn như Lotte, Coca-Cola, Alibaba,... đã đầu tư vào KCN. Hiện nay, chúng tôi đàm phán với 2 nhà đầu tư khác được ví như “cá mập”. Sở dĩ, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến Long An bởi ngoài sở hữu vị trí đắc địa, khoảng cách địa lý với TP.HCM không xa. Bên cạnh đó, nhiều năm nay, Long An đầu tư nhiều tuyến giao thông huyết mạch kết nối với TP.HCM, tạo thuận lợi cho di chuyển, chuyên chở hàng hóa. Điểm đặc biệt khác, tỉnh đã cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn, điển hình là một số DA lớn được chính quyền tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngay trong ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ thủ tục. Điều này làm DN tin tưởng, phấn khởi và nhanh chóng tiến hành triển khai DA để sớm đi vào hoạt động.
Chính từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển KT - XH, hỗ trợ DN, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng đã giúp kinh tế của tỉnh nhanh chóng phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2022 của toàn ngành công nghiệp tăng 5,32% so cùng kỳ năm 2021, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61%, chiếm tỷ trọng lớn so với các ngành công nghiệp khác./.
Mai Hương