Tiếng Việt | English

09/08/2024 - 08:48

Đồng hành, xoa dịu nỗi đau da cam

Thắp lên ngọn lửa niềm tin để nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và gia đình họ vơi dần nỗi đau chính là mối quan tâm hàng đầu của các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin trong hành trình khắc phục hậu quả chiến tranh. Vì vậy, nhiều chương trình, hoạt động được triển khai giúp các nạn nhân CĐDC vươn lên hòa nhập với cộng đồng, có thêm động lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam

Vơi dần nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người vẫn còn nặng nề, dai dẳng. Nhiều nạn nhân CĐDC của cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng chịu đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và đời sống kinh tế gặp muôn vàn khó khăn.

Nhận thức sâu sắc về hậu quả của chất độc hóa học, hàng năm, Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người.

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh làm tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội, thường xuyên đề xuất, tham mưu UBND tỉnh thực hiện đầy đủ chế độ cùng các chính sách chăm sóc, giúp đỡ đối với những nạn nhân CĐDC/dioxin trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, nỗi đau mang tên da cam được vơi dần theo năm tháng. Nhiều gia đình có thành viên bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học nhờ sự quan tâm, chăm lo về nhiều mặt có thêm nghị lực vượt lên nghịch cảnh.

Hậu quả của chất độc hóa học khiến anh Nguyễn Thanh Vũ (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) bị thiểu năng về vận động nên không đủ sức khỏe để làm việc, cuộc sống vô cùng khó khăn.

“Nhờ địa phương quan tâm, tôi được chi trả chế độ, chính sách, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương và thăm hỏi, tặng quà thường xuyên, giúp tôi giảm bớt khó khăn trong cuộc sống” - anh Vũ chia sẻ.

Tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Đức Huệ

Thời gian qua, các cấp Hội tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước có liên quan đến nạn nhân CĐDC. Phong trào thi đua “Vì nạn nhân CĐDC” luôn được thực hiện gắn với các phong trào ở địa phương. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo huy động sự vào cuộc của toàn xã hội cùng chung tay chăm lo, giúp đỡ nạn nhân CĐDC và người nghi phơi nhiễm.

Cũng như các địa phương khác, huyện Đức Huệ dành sự quan tâm đặc biệt đến nạn nhân CĐDC. Huyện xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Huệ - Lê Văn Nam cho biết: “Thời gian qua, huyện thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Ngoài hưởng các chế độ theo quy định, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội làm “cầu nối” và vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm tặng hơn 1.160 phần quà; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 300 nạn nhân. Hội vận động và phối hợp vận động nhà hảo tâm hỗ trợ nạn nhân sửa chữa 1 căn, xây dựng 2 căn nhà mái ấm tình thương. Qua đó, phần nào giúp họ vơi dần nỗi đau mang tên da cam và vươn lên ổn định cuộc sống”.

Còn tại TP.Tân An, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin luôn quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm các chế độ trợ cấp cho nạn nhân đầy đủ, kịp thời.

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.Tân An - Nguyễn Quang Rại cho biết: “Không chỉ chú trọng giúp đỡ về đời sống vật chất, Hội còn chăm lo về mặt tinh thần, làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân.

Kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2024) và Ngày “Vì nạn nhân CĐDC” (10/8), chúng tôi tổ chức thi đấu môn cờ tướng và môn tú lơ khơ nhằm tạo không khí vui tươi, giúp nạn nhân và hội viên gặp gỡ, giao lưu, thư giãn tinh thần”.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Tân An - Nguyễn Quang Rại thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố

Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 366kg chất dioxin xuống miền Nam Việt Nam, làm cho 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân và nhiều nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3 và thứ 4. CĐDC của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật của những đứa con sinh ra;...

Kết nối những tấm lòng nhân ái

Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội trong tỉnh huy động được hơn 12,8 tỉ đồng chăm lo cho hơn 21.000 lượt nạn nhân CĐDC. Trong đó, có 10 hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình thương (xây dựng 8 căn, sửa chữa 2 căn); 82 nạn nhân được hỗ trợ xe lăn, xe lắc; tặng 184 thẻ bảo hiểm y tế cho nạn nhân nghi phơi nhiễm;...

Ngoài ra, Hội còn vận động các đoàn từ thiện của các bệnh viện lớn ở TP.HCM đến khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 950 nạn nhân CĐDC, người nghi phơi nhiễm chất độc hóa học, người nghèo; trao học bổng, tặng quà cho 120 học sinh.

Thấm nhuần truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, nhân kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và Ngày “Vì nạn nhân CĐDC”, Hội phát động phong trào thi đua thực hiện đồng loạt Tháng hành động Vì nạn nhân CĐDC. Công tác chăm lo nhà ở, thăm hỏi, tặng quà và tuyên truyền Năm thảm họa da cam được các cấp Hội chú trọng nhằm tạo sự tác động tích cực của toàn xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với những số phận bất hạnh.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đức Huệ phối hợp vận động nhà hảo tâm chăm lo nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh - Nguyễn Thị Bạch Huệ thông tin: “Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh chọn đơn vị huyện Cần Đước và Đức Huệ để tổ chức kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Dịp này, lãnh đạo tỉnh tặng 30 triệu đồng; Hội vận động các nhà hảo tâm tặng xe lăn, học bổng cùng nhiều phần quà cho nạn nhân CĐDC, học sinh là con của nạn nhân, người nghi phơi nhiễm chất độc hóa học và hộ nghèo, với tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, Hội xuất Quỹ Vì nạn nhân CĐDC thăm và tặng 90 suất quà cho nạn nhân ở các địa phương”.

Hiện toàn tỉnh có hơn 1.200 nạn nhân CĐDC đều được hưởng chế độ chính sách hàng tháng theo quy định và hơn 30.000 người nghi phơi nhiễm. Mặc dù được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, ban hành các chính sách hỗ trợ nhưng hầu hết nạn nhân và gia đình nạn nhân CĐDC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ từ cộng đồng.

Bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC trong tỉnh từng bước khẳng định vai trò là chỗ dựa tinh thần và là nơi kết nối những tấm lòng nhân ái, sẻ chia của cộng đồng đối với các nạn nhân CĐDC/dioxin. Thời gian tới, Hội thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW
của Ban Bí thư và Công văn số 95-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước quy định chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐDC.

Đồng thời, Hội tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh chăm lo cho nạn nhân CĐDC, người nghi phơi nhiễm, nhất là nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa và biên giới, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống./.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 

Chiến tranh đã qua nhưng hậu quả để lại hết sức nặng nề. Đó là nỗi đau của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin. Nhiều người trong số đó mắc bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật,...

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết