Tiếng Việt | English

01/09/2022 - 11:40

Những tấm lòng xoa dịu nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả còn lại rất nặng nề. Chất độc da cam (CĐDC) làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3. Họ phải sống trong nỗi đau vì cơ thể không nguyên vẹn. Thời gian qua, cùng với Đảng, Nhà nước, có rất nhiều tấm lòng luôn đồng hành, giúp đỡ những nạn nhân với mong muốn xoa dịu nỗi đau da cam.

Chị Phạm Thị Lang là người phụ nữ giàu lòng nhân ái (Trong ảnh: Chị Lang chuẩn bị các nhu yếu phẩm hỗ trợ những người dân khó khăn, nạn nhân chất độc da cam)

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Đầu tháng 8/2022, theo chân Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Lê Văn Nghĩnh, chúng tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Lang (SN 1967, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa) đúng dịp chị đang tất bật chuẩn bị hàng trăm phần quà tặng hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân CĐDC trên địa bàn huyện.

Được biết, tặng sách, vở cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở; hỗ trợ người bệnh hiểm nghèo; tặng gạo, nhu yếu phẩm;... cho hộ nghèo, cận nghèo là hoạt động thường xuyên của chị. Đặc biệt, chị là mạnh thường quân quen thuộc luôn đồng hành cùng Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa trong công tác chăm lo, giúp đỡ những nạn nhân CĐDC trên địa bàn huyện.

Chị phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm tại buổi lễ bàn giao nhà tình thương cho nạn nhân nghi nhiễm CĐDC tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. “Chúng tôi hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà tình thương. Hôm đó xúc động lắm, nhìn mọi người vui, mình cũng vui lây. Thay vì sử dụng tiền để phục vụ các sở thích cá nhân như mua túi xách, giày,... thì mình tiết kiệm lại để chia sẻ cùng những mảnh đời khó khăn” - chị Lang tâm sự. Là người giàu lòng nhân ái, chị Lang luôn trăn trở trước những mảnh đời kém may mắn vô tình gặp trong cuộc sống. Với chị, bản thân có nhà ở, đủ ăn, đủ mặc, được sinh ra với thân thể lành lặn là điều may mắn nên chị luôn mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mỗi khi có điều kiện. Đến nay, chị cũng chẳng nhớ đã gắn bó với hoạt động này từ bao giờ và đã hỗ trợ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Lang nói vui: “Hôm nay, mình cho đi thì ngày mai chẳng cần phải nhớ”.

Mỗi khi có điều kiện, chị lại tham gia các chuyến đi thiện nguyện hoặc hỗ trợ nguồn lực tại địa phương. Chị Lang tâm niệm: “Điều quan trọng nhất khi làm thiện nguyện không phải hỗ trợ được nhiều hay ít mà quan trọng là có cái tâm. Tôi hoạt động tự nguyện trong khả năng hỗ trợ được bao nhiêu thì làm. Với tôi, đem niềm vui cho người khác cũng chính là tạo niềm vui cho chính mình”.

Người làm công tác an sinh xã hội không hẳn là người giàu có về vật chất nhưng chắc chắn là người giàu tình cảm và lòng nhân ái. Nhắc đến chị Lang, ông Lê Văn Nghĩnh nhận xét: “Chị Lang giàu lòng nhân ái, nhiệt tình trong các hoạt động an sinh xã hội. Thời gian qua, mỗi khi Hội “đánh tiếng” là chị lại nhiệt tình hỗ trợ kinh phí và nhiều nhu yếu phẩm: Gạo, mì gói,... Chị nhận được giấy khen của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin từ tỉnh đến huyện vì đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động tại địa phương”.

Đồng vợ, đồng chồng vì nạn nhân chất độc da cam

Chẳng ngại nắng mưa, sớm tối, nhiều năm qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1952) và ông Nguyễn Hữu Đệ (SN 1952), ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, vẫn rong ruổi cùng nhau trên chiếc xe máy đến từng nhà để vận động kinh phí gây quỹ hỗ trợ các nạn nhân CĐDC trên địa bàn huyện. Bà Hoa là giáo viên về hưu, công tác tại Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Châu Thành từ những ngày đầu mới thành lập. Từ năm 2018 đến nay, bà đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Châu Thành. Còn ông Đệ công tác tại UBND huyện Châu Thành. Từ ngày bà làm công tác tại Hội, ông luôn là cánh tay đắc lực, hỗ trợ trong việc làm các văn bản. Năm 2012, sau khi về hưu, ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã An Lục Long. Từ năm 2017 đến nay, ông chuyển về công tác tại Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Châu Thành.

Kể về hành trình gây quỹ, ông bà gói gọn bằng cụm từ “muôn màu, muôn vẻ”. Bà Hoa chia sẻ: “Mỗi chuyến đi chúng tôi đều mang theo sổ vàng và một số tài liệu cần thiết khác. Ngoài đi trên địa bàn huyện Châu Thành, vợ chồng tôi còn đến huyện Bến Lức, Tân Trụ,... và tỉnh Tiền Giang. Trong quá trình vận động không phải ai cũng ủng hộ mình, rất nhiều lần chúng tôi bị từ chối thẳng bằng những cái khoát tay, lắc đầu. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người giàu lòng nhân ái, họ sẵn sàng hỗ trợ khi mình trình bày mục đích, lần đầu tiên vận động thành công thì những lần tiếp theo thuận lợi hơn”.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa và ông Nguyễn Hữu Đệ luôn nặng lòng với những nạn nhân chất độc da cam

Ngần ấy năm gắn bó với nạn nhân CĐDC, ông bà đã chứng kiến biết bao hoàn cảnh éo le, mang hình hài dị dạng, bị giày vò về thể xác lẫn tinh thần nên khi nghĩ đến những mảnh đời đó, ông bà lại có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn. “Khi làm công việc này, chỉ cần nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh đang cần mình giúp đỡ thì những khó khăn, nỗi buồn sẽ chẳng là gì cả. Niềm vui, hạnh phúc của họ chính là động lực lớn nhất để mình tiếp tục cố gắng, ai hỗ trợ được thì mình biết ơn, ai không hỗ trợ thì mình cũng cảm ơn rồi rời đi. Nhiều người hỏi chúng tôi có tự ái không khi đi “xin” như vậy. Trước những câu hỏi ấy, tôi đều đáp lại là không, khi xác định làm công việc này thì phải chấp nhận, chủ yếu tâm mình trong sáng, làm mọi việc công khai, minh bạch. Có rất nhiều mạnh thường quân luôn tin tưởng, đồng hành cùng chúng tôi hàng chục năm nay” - ông Đệ trải lòng.

Được biết, toàn huyện có 55 nạn nhân CĐDC, hàng năm, Hội đều vận động tiền mặt, quà tặng các nạn nhân vào mỗi dịp lễ, tết với tổng kinh phí quy đổi trên 400 triệu đồng/năm. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hội vận động thăm, tặng quà nạn nhân; sửa chữa 1 căn nhà tình thương;... với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Đồng thời, Hội phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tích cực rà soát người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học để lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định được 2 trường hợp.

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, Ban Chấp hành Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Châu Thành đã nhiều lần được nhận cờ của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC/dioxin”, riêng cá nhân bà Nguyễn Thị Hoa và ông Nguyễn Hữu Đệ cũng được Tỉnh hội tặng giấy khen.

Bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, những tấm lòng ấy đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước xoa dịu nỗi đau da cam, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống, vào những điều tử tế./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết