Tính đến hết năm 2018, DA VnSAT Long An tổ chức: 7 lớp tập huấn cho 191 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và cán bộ DA; 3 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân về quản lý phát triển hợp tác xã (HTX), tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo cho 107 người; 67 cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn cho 2.084 người; 2 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh cho 90 cán bộ Ban Quản lý DA tỉnh, 5 tổ DA huyện, các HTX. Ngoài ra, DA VnSAT Long An còn tổ chức: 6 cuộc hội thảo truyền thông cấp tỉnh, huyện cho 424 người; 18 cuộc hội thảo truyền thông về kết quả thực hiện DA tại các HTX cho 1.258 người. Thông qua báo, đài địa phương, DA thông tin rộng rãi về hoạt động và kết quả của DA với 12 bài viết, 43 lần phát sóng và 5 tin ngắn,…
Để tăng cường năng lực quản lý, điều hành hoạt động của các đơn vị kỹ thuật và các cơ quan liên quan, DA sẽ hỗ trợ xây lắp, hàng hóa và thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị: Sửa chữa và nâng cấp văn phòng làm việc của Ban Quản lý DA VnSAT Long An, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (nay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp) 3 huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỉ đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên ngành của DA VnSAT gồm 13 máy chiếu, 13 laptop, 18 máy tính, 8 máy photo, 8 máy ảnh, 9 kính hiển vi.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Hưng (nay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp) được dự án hỗ trợ nâng cấp
(Ảnh: Trạm TT và BVTV huyện Tân Hưng)
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban Quản lý DA VnSAT Long An - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Công tác hỗ trợ nâng cao hiệu quả dịch vụ công cho ngành nông nghiệp là một trong những mục tiêu hàng đầu của DA. Thời gian tới, DA tiếp tục hỗ trợ thiết bị phòng thí nghiệm và thiết bị phục vụ sản xuất giống cho Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh nhằm nâng cao năng lực trong công tác quản lý giống”.
Thông qua việc tăng cường năng lực các đơn vị kỹ thuật, DA hỗ trợ củng cố, nâng cao và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh giống lúa nguyên chủng và giống xác nhận ngày càng chất lượng; chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho nông dân vùng DA và giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua hoạt động đào tạo tập huấn kết hợp mô hình trình diễn. Theo đó, năm 2018, DA xây dựng mô hình tận dụng sản phẩm phụ từ lúa gạo để trồng nấm rơm tại HTX Nông nghiệp Đồng Đưng, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tận dụng sản phẩm phụ sau trồng nấm làm phân hữu cơ trồng hoa màu hoặc bón ruộng lúa, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ công phục vụ sản xuất, thời gian tới tiếp tục xác định nhiệm vụ để đạt mục tiêu của DA: Đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo; mở rộng sản xuất giống, luân canh với cây trồng khác phù hợp điều kiện của từng địa phương (xây dựng mô hình Tổ nhân giống xác nhận tại 3 HTX: Gò Gòn, Bình Hòa Đông, Cánh Đồng Xanh với diện tích 1ha/HTX). Tiếp tục phối hợp cán bộ phụ trách chương trình ứng dụng công nghệ cao của tỉnh và địa phương nâng cao kỹ năng, áp dụng đồng bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa; thực hành sản xuất tốt với các mô hình sản xuất an toàn và đạt chuẩn VietGAP (xây dựng mô hình sản xuất lúa VietGAP tại 3 HTX: Hưng Phát, Hưng Phú và Tân Đông Tiến).
Để nâng cao chất lượng sản xuất, kiểm nghiệm giống lúa; tăng cường năng lực cho các đơn vị trong công tác tập huấn kỹ thuật sản xuất, giám sát khí phát thải nhà kính,… việc hỗ trợ thiết bị cho Trung tâm Giống cây trồng tỉnh là cần thiết. DA VnSAT sẽ đầu tư hỗ trợ thiết bị phòng thí nghiệm và thiết bị phục vụ sản xuất giống với kinh phí khoảng 3,3 tỉ đồng.
Với những kết quả đã đạt của dịch vụ công trong DA VnSAT Long An và những định hướng, các hoạt động của DA sẽ góp phần tạo ra những bước tiến hiệu quả, vững chắc cho ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân./.
Đại Việt