Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” tỉnh Long An (VnSAT Long An) được triển khai từ năm 2015-2020 trên địa bàn 4 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường. Mục tiêu chung của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Trong đó, dự án đặc biệt chú trọng vào hoạt động hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực các TCND. Tính đến nay, có 26 HTX tham gia Dự án VnSAT Long An, trong đó, huyện Tân Hưng có 10 HTX, huyện Vĩnh Hưng có 4 HTX, huyện Tân Thạnh có 5 HTX, huyện Mộc Hóa có 3 HTX và thị xã Kiến Tường có 4 HTX.
Hội nghị tổng kết mô hình sản xuất lúa theo “1 phải, 5 giảm”, vụ Hè Thu 2018 tại huyện Vĩnh Hưng (Ảnh: Ban Quản lý Dự án VnSAT Long An)
Nhiều chính sách hỗ trợ và nâng cao năng lực hoạt động
Dự án VnSAT chú trọng hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất cho các TCND. Theo đó, dự án chọn 9 HTX để hỗ trợ, triển khai 9 tiểu dự án, tổng kinh phí dự toán 76,41 tỉ đồng chia làm 2 đợt. Tiểu dự án đợt 1 gồm các HTX nông nghiệp: Đồng Đưng, Gò Gòn, Hưng Phú, Hương Trang, Bình Hòa với kinh phí 32,41 tỉ đồng. Tiểu dự án đợt 2 gồm HTX Nông nghiệp Hưng Tân và 3 HTX dịch vụ thương mại nông nghiệp: Cây Trôm, Hậu Thạnh Tây và Thạnh Hưng với tổng kinh phí dự toán 44 tỉ đồng. Qua khảo sát, các HTX đều đạt tiêu chí của dự án, đủ điều kiện để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu. Song song đó, dự án sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, năng lực quản lý nhằm tuyên truyền, vận động thành viên HTX và các hộ hưởng lợi vùng dự án đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng” (3G3T), “1 phải, 5 giảm” (1P5G).
Đến nay, dự án tổ chức được 1 lớp về quản lý và phát triển HTX với 37 học viên tham gia; 2 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn; 2 lớp tập huấn, 70 người dự về tận dụng sản phẩm phụ từ lúa để trồng nấm rơm. Bên cạnh đó, dự án còn triển trai thực hiện 1 mô hình trình diễn, 50 người dự về tận dụng sản phẩm phụ từ lúa để trồng nấm rơm. Đây là những hoạt động thiết thực giúp ban giám đốc các HTX trong vùng dự án vừa học, vừa bám sát thực tế để nâng cao trình độ quản lý cũng như nắm bắt được thách thức, cơ hội để phát triển.
Nhiều tín hiệu khả quan
Hầu hết thành viên trong HTX tham gia dự án đều được tập huấn về quy trình sản xuất lúa theo giải pháp kỹ thuật 3G3T, 1P5G nên giảm được chi phí mua lúa giống, số lần phun thuốc, lượng phân đạm trong mỗi vụ,... Nhờ đó, lợi nhuận sau thu hoạch tăng so với bên ngoài dự án.
Giám đốc HTX Hương Trang (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) - Nguyễn Hoàng Vinh cho biết: "Vụ Đông Xuân 2018-2019, HTX áp dụng kỹ thuật 3G3T, 1P5G trên diện tích 500ha (đạt 100%), sử dụng 10kg lúa giống/ha gieo sạ, gồm các loại giống xác nhận như Lộc Trời 1, Lộc Trời 5, Lộc Trời 5451. Năng suất trung bình 8 tấn/ha, được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu toàn bộ diện tích. Nông dân lãi khoảng 20 triệu đồng/ha".
Bên cạnh những thuận lợi, các TCND trong vùng dự án còn một số khó khăn, hạn chế về công tác triển khai. Một số HTX chưa hoàn thành công tác liên kết để bảo đảm 100% nông sản của các hộ thành viên có đầu ra. Một số HTX chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm lúa gạo,... Thời gian tới, dự án tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, rà soát, chọn lựa hỗ trợ đầu tư Tiểu dự án đợt 3 cho 6 HTX với kinh phí khoảng 50 tỉ đồng. Năm 2019, dự án sẽ đào tạo, tập huấn xây dựng điểm trình diễn cho 27 HTX, trong đó có 61 lớp về kỹ thuật 3G3T với khoảng 2.135 học viên; 91 lớp 1P5G với khoảng 3.185 học viên; trình diễn 20 điểm về 1P5G với diện tích 10ha. Những hỗ trợ thiết thực từ Dự án VnSAT sẽ giúp các HTX nâng cao năng lực hoạt động, không ngừng lớn mạnh, góp phần trong tiến trình sản xuất lúa gạo của tỉnh nhà./.
Đại Việt