Tăng cường sản xuất lúa theo “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”
Long An là 1 trong 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long được chọn tham gia DA VnSAT, giai đoạn từ năm 2015-2020. DA được triển khai thực hiện tại 23 xã của 4 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường với tổng mức đầu tư trên 289 tỉ đồng, diện tích khoảng 49.500ha, với 25.000 hộ dân tham gia.
Sau hơn 3 năm thực hiện, cùng với việc đầu tư các hạng mục công trình thiết yếu, DA chú trọng chuyển giao các quy trình sản xuất lúa theo “3 giảm, 3 tăng” (3G3T) và “1 phải, 5 giảm” (1P5G) thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật và xây dựng các điểm trình diễn, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nông dân xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng thăm đồng lúa phát triển tốt sau hơn 10 ngày gieo sạ
Đến nay, DA tổ chức được 294 lớp đào tạo kỹ thuật 3G3T và 170 lớp 1P5G; thực hiện 13 điểm trình diễn lúa 3G3T, 21 điểm trình diễn lúa 1P5G; xây dựng nhiều cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện các tổ chức nông dân với 26 hợp tác xã (HTX). Đa số HTX được nâng cao năng lực hoạt động, nâng quy mô sản xuất lên trên 500ha; một số HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, DA cũng tập trung hỗ trợ đầu tư cải tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, nhất là các công trình giao thông nông thôn, nội đồng, kênh, mương thủy lợi và trạm bơm điện. Ngoài ra, DA còn hỗ trợ các HTX đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc như máy cấy, lò sấy lúa, xây dựng trụ sở, kho chứa nông sản của HTX,...
Điểm nổi bật của các HTX tham gia DA VnSAT là nông dân giảm đáng kể lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. “Trước khi tham gia DA VnSAT, nông dân gieo sạ dày từ 140-160kg/ha, sử dụng lượng phân bón các loại khoảng 400-500kg/ha theo cánh đồng sản xuất thông thường, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật từ 4-6 lần/vụ. Sau khi dự các lớp tập huấn 3G3T, 1P5G, nông dân chủ động sản xuất giống lúa xác nhận với lượng giống gieo sạ trung bình dưới 100kg/ha; lượng phân bón các loại không vượt quá 300kg/ha. Số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm còn 2-3 lần/vụ” - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Phú, huyện Vĩnh Hưng - Phạm Văn Bé Một cho biết.
Đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân
Một trong những tiêu chí quan trọng trong việc nâng cao lợi nhuận và giảm giá thành sản xuất là áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa theo 3G3T, 1P5G, trong đó giảm lượng giống gieo sạ là yếu tố quyết định, bởi sạ dày sẽ lãng phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí sản xuất cao. Khi mật độ gieo sạ thích hợp, chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận tăng.
Ngành nông nghiệp tỉnh chủ trương tăng cường hỗ trợ sản xuất và kỹ thuật để làm tốt quy trình sản xuất lúa theo 3G3T, 1P5G; nâng cao ý thức sản xuất nông sản sạch cho nông dân; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các HTX, tạo điều kiện cho các HTX và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Cùng với đó, Long An tiếp tục thi công các công trình đầu tư hạ tầng cho 5 HTX trong vùng DA ở đợt 1 và 4 HTX trong đợt 2; tập trung hỗ trợ xây dựng nhanh các DA công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm, trang thiết bị đã được phê duyệt phục vụ sản xuất lúa trong vùng DA.
Chi cục phó Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA VnSAT tỉnh Long An - Lê Phước Sách chia sẻ: “Song song với việc hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị thì tăng cường tổ chức lại sản xuất theo hướng “cánh đồng lớn liền canh”, liên kết các hộ nông dân từ tổ hợp tác, củng cố và thành lập mới các HTX bảo đảm năng lực hoạt động của ban quản trị HTX thực hiện đúng theo Luật HTX. Điều này cho phép cơ giới hóa mạnh mẽ trong sản xuất, tiết kiệm thời gian và chi phí lao động, giảm các chi phí đầu tư ban đầu và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường”.
Như vậy, qua hơn 3 năm thực hiện, những hiệu quả mà DA VnSAT mang lại, trong đó phải kể đến hiệu quả về mặt kinh tế là rất khả quan. Đời sống nông dân trồng lúa được nâng cao, qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp tỉnh nhà./.
Đại Việt