Tiếng Việt | English

25/07/2016 - 09:58

ARV - giải pháp hữu hiệu phòng lây nhiễm HIV

Điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, ngoài việc duy trì sức khỏe cho người bệnh còn được xem là giải pháp hiệu quả giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Tuy nhiên, từ năm 2015, các dự án hỗ trợ điều trị ARV bắt đầu cắt giảm nhanh và kết thúc vào năm 2017. Ngoài ra, việc tiếp cận, tư vấn, động viên đối với một số người nhiễm HIV trong cộng đồng sớm được điều trị ARV còn gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc dự phòng lây nhiễm HIV nhằm đạt mục tiêu 90-90-90 của Liên Hiệp Quốc, kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.


Chị Trần Thị Chuẩn được tư vấn tham gia bảo hiểm y tế để tiếp tục điều trị ARV, duy trì cuộc sống khỏe mạnh

"Phao cứu sinh" của người nhiễm HIV

Tại Long An, sau gần 23 năm phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 8-1993, hiện tại, 186/192 xã, phường phát hiện có ca nhiễm HIV (chiếm 96,9% số xã, phường) với 4.519 người nhiễm HIV/AIDS, tử vong 1.347 ca. Số ca HIV/AIDS còn sống đang quản lý 1.378 ca. Việc tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV sẽ giúp bệnh nhân duy trì hệ thống miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, ARV còn giúp điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV, giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ người mẹ.

Chị Trần Thị Chuẩn, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, là người phụ nữ đầu tiên của tỉnh Long An dũng cảm bộc lộ tình trạng nhiễm HIV. Chị chia sẻ: “Tôi cố gắng điều trị đúng phác đồ của bác sĩ để được khỏe mạnh, chăm lo cho 3 con. Khi mắc bệnh, người nhiễm HIV thường che giấu vì sợ ảnh hưởng danh dự gia đình. Tôi sẵn sàng chia sẻ cùng những người đồng cảnh ngộ, mong rằng mọi người sẽ nghĩ thoáng hơn và bình thường với chúng tôi”.

Tại Long An, số người nhiễm HIV phần đông tập trung tại 4 huyện giáp ranh TP.HCM, gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước. Ngoài ra, 2 huyện, thành phố dọc trục Quốc lộ 1 đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ, số bệnh nhân nhiễm HIV cũng khá cao là TP.Tân An và Thủ Thừa. Các huyện vùng Đồng Tháp Mười, giáp biên giới Campuchia, số người nhiễm HIV phát hiện ít hơn, trung bình từ 30-60 bệnh nhân mỗi huyện. Tuy nhiên, với 102 người nhiễm HIV tại 6 huyện Đồng Tháp Mười đang điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn hơn 80 người có cuộc sống không cố định hoặc sống ẩn mình. Từ đó, cán bộ y tế không thể tìm ra họ để tiếp cận, động viên đi điều trị ARV. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.

Khó khăn trong việc tiếp cận

Việc tiếp cận, điều trị sớm bằng ARV cho người nhiễm HIV nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng ARV; 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút). Hiện tại, các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến 192 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ phụ trách chương trình HIV/AIDS. Tuy nhiên, còn một số bệnh nhân chưa thể tiếp cận, động viên để điều trị sớm bằng ARV do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là chưa hiểu ích lợi của điều trị ARV nên thấy sức khỏe còn tốt, chưa muốn đi điều trị hoặc không thừa nhận nhiễm HIV vì sợ người thân biết. Ngoài ra, nhiều người nhiễm HIV thường xuyên đi làm ăn xa, không quan tâm đến điều trị nên nhân viên y tế khó tiếp cận. 

Cán bộ quản lý chương trình phòng, chống HIV/AIDS xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa - Phan Thị Minh Tuyết cho biết: “Hiện tại, địa bàn xã quản lý 16 trường hợp bị nhiễm HIV, trong đó có 14 trường hợp được tiếp cận điều trị ARV. Bản thân tôi là người mới nhận nhiệm vụ, kinh nghiệm tiếp cận và động viên bệnh nhân còn hạn chế nên còn 2 trường hợp chưa được tiếp cận. Chuyện người thân, gia đình họ phản đối hay bệnh nhân từ chối tiếp xúc là điều bình thường. Thế nhưng, trách nhiệm của cán bộ chương trình là phải giúp đỡ họ được tiếp cận điều trị ARV, từ đó có thể kéo dài sự sống và tránh lây nhiễm cho cộng đồng”.

Anh P.C.T (SN 1979, ngụ xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) bị nghiện ma túy, từng cai nghiện và trở về địa phương năm 2015. Hiện tại, gia đình vẫn không biết anh nhiễm HIV. Vì chủ quan, sức khỏe còn tốt nên anh không uống ARV. Hay như trường hợp chị N.T.P (SN 1981, ngụ xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa) phát hiện bệnh năm 2011, khi sinh con thứ 2. May mắn, chồng và các con chị đều không bị lây bệnh. Bản thân chị cũng chủ quan, rằng kết quả xét nghiệm bị sai khi sức khỏe còn tốt, không thấy biểu hiện nào đáng ngại nên chưa muốn điều trị. Chị sợ rằng, khi điều trị sẽ có nhiều người biết, họ sẽ xa lánh, kỳ thị, ảnh hưởng đến uy tín bản thân và gia đình. Vì vậy, chị không hợp tác, thậm chí, người nhà còn phản ứng khi có cán bộ y tế đến tiếp cận. Đây là những trường hợp điển hình về việc bệnh nhân không chịu điều trị vì bản thân họ không biết được tầm quan trọng của việc uống ARV đối với sức khỏe; hoặc không tin rằng mình đã nhiễm HIV cũng như không nhận thức được nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Theo Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, cả tỉnh hiện có trên 90% người nhiễm HIV đang quản lý được tiếp cận điều trị ARV, tuy nhiên, còn những trường hợp chỉ có chồng hoặc vợ bị nhiễm HIV nên họ không dám tiết lộ, sợ đổ vỡ hạnh phúc gia đình hoặc nghĩ rằng mình còn khỏe mạnh nên chủ quan không muốn điều trị. Với những trường hợp này, nếu không có giải pháp dự phòng thì nguy cơ vợ, chồng tiếp tục lây nhiễm HIV cho nhau là rất cao.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm; khi đã được đào tạo và qua quá trình công tác tích lũy kinh nghiệm phòng, chống AIDS thì lại thay đổi, cán bộ mới rất lúng túng khi tiếp cận bệnh nhân, có trường hợp tiếp cận không đúng cách nên bệnh nhân từ chối tiếp xúc. Một số trường hợp người nhiễm HIV thường xuyên đi làm xa không có mặt tại địa phương trong thời gian dài, gây khó khăn trong việc tiếp cận. Nhiều bệnh nhân lo sợ sự kỳ thị của cộng đồng nên không dám lộ diện, trừ khi bệnh chuyển sang AIDS với nhiều dấu hiệu nặng, sức khỏe quá yếu mới bắt buộc nhập viện điều trị.

Để việc tiếp cận điều trị sớm cho bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao hơn nữa, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh HIV/AIDS của các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống phân biệt, kỳ thị bệnh nhân HIV. Đồng thời, ổn định và đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cơ sở để có thể tiếp cận, động viên và giúp đỡ bệnh nhân an tâm điều trị./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết