Truyền thông, giáo dục sức khỏe cho công nhân
Long An là một trong những địa phương có đông CNLĐ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tập trung ở các khu, cụm công nghiệp. Đa số đối tượng này là lao động phổ thông, chỉ tốt nghiệp tiểu học hoặc THCS nên trình độ nhận thức còn hạn chế. Mặt khác, do thời gian làm việc theo ca và thường xuyên tăng ca; do điều kiện kinh tế khó khăn nên họ ít có điều kiện tiếp xúc các thông tin liên quan về CSSKSS/KHHGĐ. Đây là những nguyên nhân làm cho CNLĐ nữ thiếu kiến thức toàn diện về SKSS. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống CNLĐ, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc: Mang thai ngoài ý muốn; mắc bệnh lây qua đường tình dục; nạo, phá thai không an toàn dẫn dến hệ lụy vô sinh;... Điển hình như trường hợp chị N.T.H, hiện là CN đang làm việc tại Công ty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam, huyện Bến Lức, đã có 2 con. Thế nhưng, do thiếu hiểu biết về biện pháp tránh thai an toàn nên chị sinh thêm con thứ 3 ngoài ý muốn.
Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại nơi làm việc giúp công nhân giảm chi phí và thời gian khám, chữa bệnh bên ngoài
Để bảo đảm sức khỏe cho CNLĐ nữ, ngành Dân số Long An phối hợp triển khai cung cấp dịch vụ SKSS và phương tiện tránh thai cho CN ở các khu, cụm công nghiệp, CN sinh sống trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Cần Đước, Bến Lức và Cần Giuộc. Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm CSSKSS, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp Công đoàn Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn công ty đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục CNLĐ nữ ý thức tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khám, tư vấn SKSS và tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề lồng ghép trong những ngày cung cấp dịch vụ, phát tài liệu tuyên truyền về CSSKSS, KHHGĐ cho CNLĐ nữ. Thông qua các ban, ngành, đoàn thể tổ chức cung cấp kiến thức cho đoàn viên, hội viên để tiếp cận tuyên truyền cho đối tượng CNLĐ nữ trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Diễm - CN Công ty TNHH Tân Dương, huyện Bến Lức, bày tỏ: “Tôi rất ngại đi khám sức khỏe vì mất nhiều thời gian, phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến thu nhập. Khi Công đoàn công ty phổ biến đợt triển khai cung cấp dịch vụ CSSKSS và phương tiện tránh thai tại công ty, tôi đăng ký tham gia ngay. Bởi, đây là cơ hội để tôi tiếp cận các thông tin, trang bị kiến thức cơ bản về CSSKSS/KHHGĐ”.
Tại huyện Bến Lức, Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp Trung tâm Y tế, Liên đoàn Lao động huyện và các ngành, đoàn thể tổ chức nói chuyện chuyên đề lồng ghép khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho CN Công ty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam, Công ty TNHH Tân Dương, Công ty TNHH May Song Hồng, Công ty TNHH Đồ hộp Việt Cường, Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Toàn Mỹ và CN sinh sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn. Phấn đấu trong đợt này, toàn huyện có 2.800 CNLĐ nữ được tư vấn, cung cấp dịch vụ CSSKSS.
Quyền Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bến Lức - Nguyễn Thị Kiểu nhận định: “Đối với phụ nữ, khám SKSS định kỳ nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe, sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, CNLĐ nữ còn chủ quan, ngại đi khám phụ khoa và kiểm tra SKSS; nhiều trường hợp, đến khi phát hiện bệnh thì phải điều trị mất nhiều thời gian và tiền bạc. Trong đợt khám sức khỏe lần này, CNLĐ nữ được tư vấn trực tiếp, thụ hưởng các dịch vụ y tế: Siêu âm, test VIA (tầm soát ung thư cổ tử cung), soi tươi dịch âm đạo nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa và cấp thuốc miễn phí”.
Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên Dân số - Gia đình và Trẻ em cần thường xuyên tuyên truyền, cung cấp kiến thức về CSSKSS/KHHGĐ cho CNLĐ nữ sống tại các nhà trọ trên địa bàn các huyện công nghiệp. Bởi, việc truyền thông, giáo dục sức khỏe cho đối tượng này là việc làm thiết thực, góp phần hạn chế những hệ lụy do thiếu hiểu biết về CSSKSS.
Giúp công nhân tiếp cận dịch vụ CSSK/KHHGĐ
Thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ SKSS cho CN, ngành Dân số huyện Cần Giuộc phối hợp Trung tâm Y tế, Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn công ty và UBND các xã, thị trấn triển khai tại Công ty TNHH MTV Cervin Việt Nam, Công ty TNHH MTV Nhà máy may mặc Đức, Công ty TNHH Giày Fuluh và 1.700 CN sinh sống trên địa bàn huyện.
Chị Trần Thị Tuyết Mai - CN làm việc tại Công ty TNHH Giày Fuluh, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Tôi rất vui vì được công ty tạo điều kiện tham gia chương trình tư vấn, khám và phát tài liệu về thực hiện các biện pháp CSSKSS miễn phí. Qua đó, tôi được bác sĩ tư vấn tận tình, chu đáo, giúp tôi hiểu hơn tầm quan trọng của việc khám SKSS định kỳ”.
Việc cung cấp dịch vụ CSSKSS giúp CN giảm chi phí và thời gian khám, chữa bệnh bên ngoài, tiếp cận thông tin và dịch vụ chất lượng, thuận tiện. Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cần Giuộc - Đào Thị Ngọc Vui mong muốn: “Các công ty tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và thời gian thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cũng như tạo điều kiện tốt nhất để CN tham gia hoạt động này. Qua đó, không chỉ bảo đảm quyền lợi chính đáng cho CNLĐ nữ mà còn góp phần nâng cao sức khỏe người lao động, phục vụ tích cực và hiệu quả hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp”.
Soi tươi là một trong những biện pháp giúp phát hiện sớm các bệnh lý về đường sinh sản và điều trị kịp thời
Thông qua việc tư vấn, cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ giúp CNLĐ nữ nâng cao nhận thức về công tác DS, tự giác thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn và vận động các thành viên trong gia đình, cộng đồng cùng thực hiện. Việc cung cấp các dịch vụ này còn hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn và lây bệnh truyền qua đường tình dục, nâng cao chất lượng DS. Để hoạt động CSSKSS đến gần CNLĐ nữ, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là đơn vị sử dụng lao động./.
- Trong đợt CSSKSS lần này, Chi cục DS-KHHGĐ Long An chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện công nghiệp phối hợp Công đoàn khu, cụm công nghiệp, Liên đoàn Lao động huyện, Trung tâm Y tế huyện tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS cho hơn 10.000 CNLĐ nữ.
Trên cơ sở tài liệu của Trung ương, ngành Dân số thực hiện in ấn, cấp phát tờ rơi bỏ túi tuyên truyền nội dung CSSKSS/KHHGĐ cho các đối tượng, với mục tiêu mỗi CN nhận ít nhất một loại tài liệu.
- Ung thư cổ tử cung ở Việt Nam đứng hàng đầu trong tất cả các loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Do vậy, phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ 6 tháng/lần. |
Quang Nguyên-Huỳnh Hương