Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nội dung giáo dục đầy đủ về Hoàng Sa, Trường Sa....
Xung quanh chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ, giới nghiên cứu Sử học đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng.
Chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: Trần Nhật Minh)
Nhà giáo Nhân dân (GS.TS.NGND) Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, từ nhiều năm nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đề xuất đưa vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện việc rà soát, bảo đảm tất cả bản đồ giáo khoa đều có vẽ và ghi tên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này là rất cần thiết.
Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, lịch sử khai phá, xác lập, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một trong những trang sử bi hùng bậc nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng rõ ràng và đích thực rằng, từ đầu thế kỷ thứ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đầy đủ và trọn vẹn đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong điều kiện hòa bình, không có tranh chấp, tranh biện.
Cho đến đầu thế kỷ XX, lần đầu tiên, Trung Quốc tuyên bố phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa (vốn là của Việt Nam) và tùy tiện đặt tên là quần đảo Tây Sa. Năm 1956, họ mới lần đầu tiên chiếm cụm đảo phía Đông và đến năm 1974, họ chiếm nốt cụm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1988, Trung Quốc mới bắt đầu tấn công xuống quần đảo Trường Sa và đến nay, họ cải tạo thành những căn cứ quân sự rất hiện đại để thực hiện mưu đồ độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Đây là những hành động leo thang cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc, mà Việt Nam và cộng đồng quốc tế đang hết sức lên án và tìm cách ngăn chặn.
Vùng lãnh thổ, biển đảo, hải đảo do ông cha ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền từ nhiều đời, nhưng đang bị Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm thì cần phải được đề cập rõ ràng, chi tiết trong SGK. Điều này sẽ giúp cho không chỉ học sinh, mà tất cả mọi người dân, không chỉ Việt Nam, mà Trung Quốc và cả cộng đồng quốc tế biết rõ và có cách xử lý đúng theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.
Song song với việc đưa nội dung về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa... vào SGK mới, chúng ta cần phải triển khai giáo dục một cách mạnh mẽ cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, ý thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ.
Lịch sử phải là môn bắt buộc thi THPT Quốc gia
Ngoài việc đưa đầy đủ các nội dung giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK mới, Bộ GD-ĐT cần đặt đúng vị thế xứng đáng của môn Lịch sử.
Nhà sử học Dương Trung Quốc không đưa ra quan điểm là môn Lịch sử phải hơn hẳn các môn học khác nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới, tăng cường nâng cao lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ thì môn Lịch sử càng phải được đặt ở vị trí quan trọng.
Để học sinh gắn bó với môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT phải quy định môn học này là môn bắt buộc phải thi trong kỳ thi THPT Quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cần tổ chức tập huấn giáo viên môn Địa lý và môn Lịch sử về nội dung và cách thức lồng ghép giáo dục biển đảo trong các môn học có liên quan; tăng cường các hoạt động ngoại khóa về giáo dục biển đảo như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo; lồng ghép vấn đề chủ quyền biển đảo vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
Đưa đầy đủ nội dung về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa mới là cần thiết
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến, việc dạy Lịch sử hiện nay chủ yếu thiên về truyền đạt kiến thức áp đặt theo kiểu bắt học sinh phải nhớ nhiều sự kiện, ngày tháng, địa danh, nhân vật nên khiến học sinh phải học thuộc rất nhiều và dễ dẫn đến tình trạng chán nản. Phương pháp truyền đạt chỉ theo hướng một chiều là giáo viên chỉ đứng bục giảng và trò ghi chép.
Nhiều nước giáo dục lịch sử cho học sinh thông qua những chuyến đi tham quan bảo tàng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và qua việc trình chiếu các bộ phim lịch sử hấp dẫn. Học sinh các nước được học tập trải nghiệm, sáng tạo. Việc đổi mới môn Lịch sử đều có sự tham gia của các nhà sư phạm.
Nếu Việt Nam cải cách dạy học lịch sử như nhiều nước trên thế giới đã từng làm sẽ tốt hơn.
Trong giờ giảng dạy, giáo viên nên để học sinh trao đổi, thảo luận về một nhân vật, sự kiện nào đó hơn là chỉ ghi chép. Khi tạo được không khí tranh luận sôi nổi thì việc dạy sử sẽ hấp dẫn và học sinh sẽ thích thú môn học này hơn nhiều so với hiện nay./.
Bích Lan/VOV.VN