Tiếng Việt | English

30/10/2020 - 09:16

Đưa nước sạch về nông thôn

Tạo điều kiện cho người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh (HVS) là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân nhằm hướng đến xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới.

Lắp đặt hệ thống lọc nước, đưa nước sạch đến với người dân. Ảnh: Lê Ngọc

Người dân phấn khởi

Trước đây, người dân các xã: Nhơn Ninh, Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An thường sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì thiếu nước HVS để sử dụng, nhất là vào mùa nắng hay các dịp lễ, tết. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trước tình hình trên, nhiều người đành phải đi đổi nước ở các địa phương khác về sử dụng. Tuy nhiên, có nhiều hộ ngại đường xa hoặc sợ tốn kém nên lấy nước sông lên khử phèn rồi sử dụng tạm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các công trình cấp nước ở địa phương chưa được đầu tư xây dựng hợp lý, đường ống nhỏ, thường xuyên hư hỏng,... Xác định được vấn đề này, huyện Tân Thạnh tranh thủ nhiều nguồn lực xây dựng các công trình nước sạch, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các trạm cấp nước; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân vay vốn Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường. Kết quả đến nay, toàn huyện có 62 công trình cấp nước đang hoạt động, trong đó, UBND xã quản lý, vận hành và khai thác 31 công trình; tư nhân, doanh nghiệp quản lý 31 công trình.

Ngoài ra, để hoàn thành tiêu chí nước sạch trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện còn nâng cấp, bảo trì và đầu tư lắp đặt hệ thống khử trùng để bảo đảm chất lượng nước đạt theo QCVN 02:2009/BYT cho 56 trạm cấp nước, phục vụ 15.182 hộ. Bằng sự nỗ lực trên, cuối năm 2019, hộ dân sử dụng nước HVS đạt 94,83%, nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT đạt gần 75%.

Anh Bùi Văn Phương, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Mấy năm trước, người dân phải canh hứng nước đến nửa đêm để sử dụng cho ban ngày. Ngày nào ngủ quên là ngày đó phải đi mua nước bình về sử dụng rất tốn kém, thậm chí có khi hứng nước mấy tiếng cũng chỉ được một thùng nhỏ. Nhờ xã đầu tư, nâng cấp trạm bơm nước và đường ống nên giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước của người dân. Tình trạng thiếu nước ở địa phương được giải quyết, chúng tôi mừng lắm!”.

Được biết, tình trạng thiếu nước HVS ở xã Nhơn Ninh tập trung chủ yếu ở các ấp: Tân Chánh A, Kênh Giữa và Xóm Cò. Nguyên nhân thiếu nước là trạm cấp nước công suất rất nhỏ; đường ống dẫn nước nhỏ, đầu tư đã lâu nên thường xuyên hư hỏng nhưng không tìm được chỗ hư để khắc phục. Trước tình trạng này, xã thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đầu tư gần 400 triệu đồng lắp đặt đường ống mới, lớn. Bên cạnh đó, 10 trạm cấp nước do UBND xã quản lý tiếp tục được đầu tư nâng công suất lên bình quân mỗi giờ 10m3/trạm.

Người dân xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi đã có các công trình nước sạch để sử dụng, không còn phải lo hạn, xâm nhập mặn

Còn tại 2 xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, những ngày này, người dân “vui như tết”, vì địa phương được đầu tư đường ống, chuẩn bị đưa nước sạch về cho nhân dân sử dụng. Làm sao không vui được khi những năm gần đây tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nên hầu hết các giếng nước đều nhiễm mặn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa - Phạm Văn Khanh phấn khởi nói: “Đường ống hoàn thành, không chỉ người dân phấn khởi mà lãnh đạo xã rất mừng, vì đã có câu trả lời thích hợp cho nhân dân trong các buổi tiếp xúc cử tri. Hơn hết, việc đưa nước sạch về cho nhân dân sử dụng là một trong những chỉ tiêu quan trọng giúp xã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Đột phá từ cơ chế đến chính sách

Theo kết quả điều tra Bộ chỉ số năm 2019, toàn tỉnh hiện có 1.547 trạm cấp nước nông thôn, cấp nước cho khoảng 251.321 hộ dân, trong đó, hộ dân nông thôn sử dụng nước máy đạt 76,98%, chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm, 25,4% hộ dân nông thôn còn lại sử dụng nguồn nước nhỏ, lẻ (nước mặt, giếng khoan nông, nước mưa); hộ dân nông thôn sử dụng nước HVS tăng từ 93,9% (năm 2015) lên 99% cuối năm 2019, ước cuối năm 2020 đạt 99,2%; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 02:2009/BYT tăng từ 16,6% (năm 2015) lên 51,82% cuối năm 2019, ước cuối năm 2020 đạt 52%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra (nước HVS 98%, nước sạch 45%).

Để đạt kết quả này, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phân bổ 296,782 tỉ đồng vốn ngân sách tỉnh, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho 107 danh mục công trình nông thôn ở các xã biên giới, xã gặp khó khăn về nước sinh hoạt, các xã nông thôn mới để xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường ống, châm chất khử trùng; phân bổ 33 tỉ đồng cho 17 danh mục công trình bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016, 2019-2020.

Đặc biệt, tỉnh có rất nhiều chính sách, thu hút doanh nghiệp đầu tư một số dự án lớn như: Dự án cấp nước 2 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Dự án Phú Mỹ Vinh I, Phú Mỹ Vinh II, Nhà máy Xử lý nước mặt xã Nhị Thành,... Đây được xem là bước đột phá, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Hiện nay, tình trạng nước đục ngầu ở thị trấn Tân Trụ cơ bản được giải quyết

Chủ tịch UBND thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ - Mai Thanh Tân bộc bạch: “Cách đây 1 tháng, nguồn nước máy tại nhiều khu vực trên địa bàn bị đổi màu đục ngầu, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này do Ban Quản lý sự nghiệp hạ tầng huyện tiến hành đấu nối đường ống từ trạm cấp nước số 2 vào trạm cấp nước số 1 và số 3; đồng thời, nâng công suất 2 trạm nên áp suất trong tuyến ống tăng cao đã gây ra hiện tượng làm tẩy rửa thành ống khiến nước có màu vàng, đục.

Trước tình hình trên, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng đề nghị Ban Quản lý sự nghiệp hạ tầng thay các thiết bị lọc trạm 1 và trạm 3, tổ chức súc rửa, vệ sinh đường ống và cho xả cặn nhằm bảo đảm cung cấp nguồn nước chất lượng cho nhân dân. Đặc biệt, huyện kêu gọi Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An đầu tư 2 tuyến ống, với tổng kinh phí gần 7 tỉ đồng cung cấp nước sạch cho tất cả người dân trên địa bàn thị trấn, góp phần nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch lên gần 100%. Hiện nay, công ty đang thi công đường ống, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020”.

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc tạo điều kiện cho người dân sử dụng nước sạch và nước HVS còn nhiều khó khăn: Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước HVS tuy cao nhưng chưa bền vững; một số phòng, ban chức năng của huyện và cấp xã chưa phát huy vai trò, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nên rất khó khăn trong công tác phối hợp lập kế hoạch, báo cáo số liệu, giám sát thực hiện; việc xây dựng đơn giá nước theo quy định vẫn chưa được UBND xã, cơ sở cấp nước cộng đồng, tư nhân quan tâm thực hiện nên việc cấp nước nông thôn ở một số nơi trong tỉnh, vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ, lẻ, thiếu bền vững và chưa đạt chất lượng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT; tình trạng hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn nước; lĩnh vực đầu tư cung cấp nước sạch nông thôn ít lợi nhuận, kinh phí đầu tư lớn, giá nước còn thấp nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư theo chủ trương xã hội hóa,...

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn - Hà Văn Thiệp cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra chỉ tiêu hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đến năm 2025 đạt 65% trở lên. Để đạt chỉ tiêu đề ra, trung tâm sẽ đẩy mạnh các hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng nước các công trình cấp nước nông thôn do doanh nghiệp, tư nhân quản lý; tuyên truyền, hướng dẫn quy trình xử lý nước, khử trùng nước để đạt chất lượng nước sạch; tăng cường biện pháp xử phạt nhằm chấn chỉnh các cơ sở cấp nước phải nâng cấp, đầu tư hệ thống khử trùng nước để đạt chất lượng nước sạch; tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư công cấp nước nông thôn, trong đó chú trọng xây dựng các công trình có quy mô lớn, liên xã, liên huyện; từng bước xóa bỏ các công trình có quy mô nhỏ, chất lượng nước kém; hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Long An; ưu tiên khai thác các nguồn nước mặt, từng bước giảm khai thác nước ngầm; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cấp nước các dự án lớn, nguồn nước mặt ổn định, cấp nước liên huyện, liên tỉnh; tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước,...”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích