Tiếng Việt | English

21/07/2022 - 19:00

Đưa thức uống dân dã vươn xa trên thị trường

Dù trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại đồ uống công nghiệp nhưng sản phẩm đá me Chân Ý của Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn có chỗ đứng nhất định. Từ loại thức uống dân dã, quen thuộc, đá me Chân Ý được nâng tầm thành sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh.

Chia sẻ với chúng tôi về sự ra đời của sản phẩm đá me Chân Ý, chủ Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan - Trần Thị Ngọc Lan cho biết: “Từ món me ngào tuổi thơ của bà ngoại ở vùng quê Vĩnh Hưng, tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng làm đá me. Để có sản phẩm đá me phải trải qua nhiều công đoạn như tách vỏ me, tách hạt, sơ chế hạt xong mới nấu được. Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm. Có khi nấu hạt me mềm hoặc cứng quá và chưa biết cách để tróc được hạt me”.

Chị Trần Thị Ngọc Lan giới thiệu sản phẩm của Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan tại chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chị Ngọc Lan quyết định tham gia khóa học ngắn hạn về công nghệ thực phẩm tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Với những kiến thức được học cùng với kinh nghiệm rút ra sau những lần thất bại, sản phẩm đá me ngày càng hoàn thiện hơn. Từ nguồn nguyên liệu đơn giản dễ tìm, được thu mua trực tiếp tại địa phương, me được chế biến thành loại thức uống dân dã, đậm vị quê nhà. Với mong muốn tạo được niềm tin cũng như giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết sản phẩm của cơ sở, chị Ngọc Lan chủ động đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm đá me. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, từ tháng 12 năm này đến tháng 3 năm sau, cơ sở thu mua me, trữ lạnh để sản xuất dần, lúc được mùa có thể đạt khoảng 5-10 tấn. Ngoài đá me Chân Ý, Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan còn có một số sản phẩm khác như nước sốt me xào chua ngọt, tắc xí muội và chanh muối, muối tiêu, muối ớt.

Trong quá trình chế biến, cơ sở luôn chú trọng việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, khâu đóng gói sản phẩm cũng được đầu tư kỹ lưỡng, mẫu mã đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc được dán trên bao bì. Được biết, cuối năm 2021, chị Ngọc Lan đầu tư thêm máy đóng gói nguyên liệu dạng sệt trong sản xuất chanh, tắc xí muội với kinh phí khoảng 160 triệu đồng, trong đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương.

Từ loại thức uống dân dã, nguồn gốc tự nhiên có lợi cho sức khỏe, nay đá me được “khoác áo mới” để nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn

“Nhờ được hỗ trợ đầu tư máy đóng gói, tôi tiết kiệm được thời gian và nhân công thực hiện. Trước đây, phải 3 người đóng gói vô hũ nhưng từ khi có máy thì chỉ cần 1 người. Thay vì đóng thành hũ, sản phẩm đóng gói đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hơn. Khách hàng có thể mua túi nhỏ về pha 1 ly rất tiện so với mua hũ lớn. Hiện sản phẩm đá me Chân Ý chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh và giao cho các chợ đầu mối của TP.HCM” - chị Ngọc Lan cho biết. Bà Nguyễn Thị Mai (đường N2, ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Tôi bán sản phẩm đá me Chân Ý được nhiều người ưa chuộng. Theo chia sẻ của khách hàng sau khi dùng thử thì đá me có vị đậm đà, tự nhiên, không có chất bảo quản. Vì vậy, nhiều khách hàng mua xong trở lại ủng hộ, có người mua để dùng, có người mua làm quà”.

Từ một loại thức uống dân dã, nguồn gốc tự nhiên có lợi cho sức khỏe, nay đá me được “khoác áo mới” để nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn. Cùng với đá me Chân Ý, các sản phẩm khác của Cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan nhiều lần có mặt tại các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh với mong muốn vươn xa trên thị trường, đưa sản phẩm quê nhà đến với người tiêu dùng, thông qua các hệ thống phân phối và kênh bán hàng hiện đại./.

H.Hương

Chia sẻ bài viết