Tiếng Việt | English

16/01/2019 - 19:26

Đức Hòa hiệu quả bước đầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tập trung triển khai, thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống thông qua các mô hình trồng rau theo hướng VietGAP, GlobalGAP; chăn nuôi bò thịt an toàn sinh học.

Lợi nhuận cao hơn

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa - Lê Thị Thanh Thảo cho biết, nghị quyết của huyện chọn 1 cây (rau) và 1 con (bò) nhằm thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC đến năm 2020. Sau thời gian thực hiện đề án, người dân dần thay đổi nhận thức về sản phẩm sạch, an toàn và ứng dụng các quy trình, kỹ thuật mới, tham gia hợp tác xã liên kết, hình thành chuỗi sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, tăng thu nhập, lợi nhuận so với trước.

Ông Phan Văn Kiểng (xã Đức Lập Hạ) chia sẻ: “Tham gia chăn nuôi bò thịt ƯDCNC, tôi được tập huấn những kỹ năng cần thiết, hỗ trợ thay đổi giống bò chất lượng: Red Angus, Sind, Charolairs...; sử dụng máy cắt cỏ, máy trộn thức ăn. Trung bình, mỗi con bò nuôi sau 5 tháng, gia đình tôi thu lãi 4 triệu đồng”.

Sản xuất rau theo hướng an toàn sinh học giúp người dân nâng cao thu nhập

Sản xuất rau theo hướng an toàn sinh học giúp người dân nâng cao thu nhập

“Hiện nay, gia đình tôi ứng dụng quy trình mới, an toàn, giảm thuốc bảo vệ thực vật, chuyển sang dùng phân vi sinh, hữu cơ để bón cho cây rau. Sau khi sản xuất rau theo hướng ƯDCNC, sản phẩm làm ra an toàn, bán dễ dàng hơn, lợi nhuận thu được tăng hơn so với trước. Với 1,3ha đất trồng rau ƯDCNC, mang lại thu nhập tăng thêm 6-7 triệu đồng/ha/vụ” - ông Đỗ Văn Hửng, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, phấn khởi.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu (xã Tân Mỹ) - Lại Văn Hây cho biết: “HTX hiện tại có 15 thành viên, diện tích sản xuất gần 10ha. Từ khi chuyển sang trồng rau ƯDCNC, các thành viên có ý thức, trách nhiệm hơn với sản phẩm, hạn chế thói quen cũ, sản phẩm làm ra có mã vạch để truy xuất nguồn gốc dễ dàng, lợi nhuận khá hơn”.

Hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, toàn huyện có gần 174ha sản xuất rau ƯDCNC, đạt 61,01% so chỉ tiêu giao đến năm 2020. Về con bò, huyện thực hiện gieo tinh bò thịt chất lượng cao trên đàn bò cái lai Sind với hơn 2.000 con ở 15 xã, thị trấn.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa - Lê Thị Thanh Thảo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất ƯDCNC, năm qua, huyện tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng 5 tuyến đường giao thông nông thôn trong vùng rau ở 3 xã: Tân Mỹ, Hòa Khánh Nam, An Ninh Tây, với tổng chiều dài 4.028m, kinh phí thực hiện 4,6 tỉ đồng. Đồng thời, huyện phối hợp triển khai xây dựng kênh nội đồng gắn các tuyến kênh N2-2-2, N2-2-3 ở xã Tân Mỹ, tuyến N2-22-2 thuộc xã Hòa Khánh Nam (ngân sách tỉnh); xây dựng 3 tuyến kênh nội đồng N2-22-2 ở xã Hòa Khánh Nam, N3-8-7, N3-8-7-1 ở xã Hòa Khánh Đông (ngân sách huyện); phối hợp Sở Công Thương, Điện lực Đức Hòa, UBND các xã thống nhất khối lượng công trình đầu tư nâng cấp đường điện ở các xã: Tân Mỹ, An Ninh Tây và Hòa Khánh Nam.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp mở nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh trên đàn gia súc, nuôi bò an toàn sinh học; kỹ thuật canh tác, bao lưới; sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học,... hướng đến sản xuất rau đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm: VietGAP, GlobalGAP,...

“Năm 2019, huyện tiếp tục duy trì, nhân rộng hiệu quả sản xuất các mô hình được triển khai; đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện về kỹ thuật lấy mẫu đất, nước, sản phẩm nhằm phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm. Đặc biệt, huyện phối hợp các sở, ngành tỉnh tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại trên cây rau và con bò; hướng dẫn nông dân đăng ký thương hiệu nông sản, mã số vạch truy xuất nguồn gốc, nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm dễ dàng vào các siêu thị, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa - Lê Thị Thanh Thảo thông tin./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết