Tiếng Việt | English

21/09/2023 - 08:49

Đức Huệ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Ngoài trồng các loại cây truyền thống, có thế mạnh như lúa, chanh và nuôi bò, nông dân huyện Đức Huệ, tỉnh Long An còn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Những năm qua, huyện Đức Huệ hình thành vùng sản xuất chuyên canh: Lúa chất lượng cao, trồng cây chanh. Huyện còn chú trọng phát triển mạnh chăn nuôi, nhất là nuôi bò thịt theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở những xã trong vùng quy hoạch; tập trung xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), vận động nông dân sản xuất theo hướng tập thể nhằm kêu gọi, liên kết các doanh nghiệp tạo đầu ra cho nông sản.

Bên cạnh cây lúa, chanh và con bò, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện nghiên cứu trồng, nuôi thử nghiệm một số cây, con mới và dần hình thành các mô hình cho hiệu quả khả quan.

Cây rau má đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân huyện Đức Huệ

Điển hình, cây rau má hiện phát triển với diện tích trên 100ha, chủ yếu trồng tại xã Bình Hòa Nam và Bình Hòa Hưng, sản lượng thu hoạch khoảng 60 tấn/ha/năm, giá bán bình quân 18.000-20.000 đồng/kg, cho lợi nhuận cao hơn cây lúa từ 5-7 lần/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Hậu (xã Bình Hòa Nam) cho biết: “Rau má phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng này. Rau má từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 45-50 ngày. Mỗi đợt như vậy, nông dân thu hoạch được nhiều lần”.

Ngoài cây trồng, chăn nuôi cũng được đa dạng hóa. Bên cạnh thế mạnh nuôi bò, thời gian gần đây, xuất hiện mô hình mới như nuôi ếch trong bể. Theo đánh giá, phương thức nuôi này tận dụng được diện tích đất trống quanh nhà để xây bể nuôi, trong khi đó, mức đầu tư khoảng 50 triệu đồng/100m2, năng suất bình quân 2 tấn ếch thương phẩm/lần thu hoạch/3 tháng, lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng. Mô hình này đang được nhiều nông dân học hỏi để nhân rộng. Tổng diện tích bể nuôi ở huyện đến nay trên 3ha.

Mô hình nuôi ếch đang phát triển ở huyện Đức Huệ

Trong khi đó, mô hình nuôi cá trê vàng của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây có tổng diện tích sản xuất 6ha. Mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây - Lê Văn Thông, trước đây, trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Tây có nhiều ao nuôi cá nhưng chủ yếu là cá tạp, không mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, những năm gần đây, anh chuyển sang nuôi cá trê vàng, mang lại hiệu quả.

Được sự hỗ trợ của HTX, anh Lương Văn Nghiệp đầu tư nuôi cá trê vàng. Với 1.000m2 mặt nước, sau gần 4 tháng thả nuôi cá giống, mới đây, anh thu hoạch gần 6 tấn cá thương phẩm. “Thương lái mua cá với giá 40.000 đồng/kg. Qua tính toán, chi phí nuôi cá khoảng 130 triệu đồng/1.000m2. Sau khi trừ chi phí, người nuôi có lợi nhuận khoảng 70-80 triệu đồng/1.000m2”.

Việc nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở huyện mang lại những hiệu quả và tín hiệu tích cực, nhất là các mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn mang tính tự phát, chưa bền vững do ảnh hưởng yếu tố giá cả thị trường.

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai, xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất; chú trọng đẩy mạnh liên kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản; triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết