Tiếng Việt | English

25/12/2023 - 13:40

Đức Huệ: Trao 'cần câu' để thoát nghèo

Nhờ sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2023, hộ nghèo theo tiêu chí mới của huyện Đức Huệ, tỉnh Long An giảm được 23,98%/10%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy đề ra trong năm. Đây chính là kết quả nổi bật từ giải pháp “trao cần câu” của huyện biên giới còn nhiều khó khăn trong thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Đức Huệ - Võ Văn Á (thứ 4, trái qua) trao hỗ trợ phương tiện sản xuất cho nông dân

Qua rà soát, tính đến đầu tháng 12/2023, toàn huyện còn 371 hộ nghèo, chiếm 1,89%, trong đó có 182 hộ không có khả năng lao động; 533 hộ cận nghèo, chiếm 2,72%, trong đó có 136 hộ không có khả năng lao động.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Huệ - Phạm Minh Vũ, đạt kết quả này là nhờ sự quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc tham mưu ban hành chính sách, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ người nghèo của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; nhất là sự vào cuộc của các đoàn thể trong việc tập trung rà soát hộ nghèo hàng năm để nắm kịp thời số lượng và phân loại hộ nghèo theo tiêu chí thiếu hụt về nhà ở, vốn sản xuất, chưa được đào tạo nghề,... Từ đó, làm cơ sở tham mưu Huyện ủy, UBND huyện cùng các ngành chức năng giải pháp hỗ trợ thoát nghèo phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ.

Trong số những chính sách hỗ trợ giảm nghèo của huyện như dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục, y tế; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ nhà ở;… thì nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được xem là nguồn lực giúp giảm nghèo hiệu quả, tiếp thêm niềm tin, động lực cho hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

“Đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, huyện xác định không thể hỗ trợ, giúp đỡ bằng cách cho vay vốn giải quyết việc làm mà xây tặng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, tặng nhu yếu phẩm, dạy nghề miễn phí. Còn những hộ nghèo có khả năng lao động, huyện hỗ trợ, tạo điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thay vì cho “con cá” thì huyện trao “cần câu” để động viên, khuyến khích ý chí tự vươn lên của hộ nghèo” - ông Phạm Minh Vũ cho biết.

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ vốn tín dụng cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân cho 593 lao động với tổng số tiền hơn 34,5 tỉ đồng. Qua kiểm tra, nguồn vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo.

Gia đình chị Trần Thị Ngọc Mai (ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiếp tục làm kinh tế để chăm lo cho gia đình từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chị Mai chia sẻ: “Trước đây, tôi mở tiệm buôn bán giày dép nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mua bán gặp nhiều khó khăn. Từ khi được vay nguồn vốn thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn với lãi suất ưu đãi, tôi mở rộng tiệm tạp hóa và nhập nhiều mặt hàng để bán. 3 năm qua, cuộc sống khá hơn, tôi có điều kiện nuôi 2 con và chăm lo cho mẹ già”.

Trong những năm qua, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được huyện xác định là giải pháp giúp giảm nghèo và giải quyết việc làm hiệu quả. Theo đó, huyện phối hợp đưa 91 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, năm 2023, có 45 lao động. Sau khi hết hợp đồng trở về nước, người lao động không chỉ góp phần tăng thu nhập cho gia đình mà còn là nguồn lao động chất lượng khi tham gia vào thị trường lao động tại địa phương.

Xã Mỹ Quý Đông được xem là đơn vị điển hình trong việc tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho người lao động của xã, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Giai đoạn 2020-2023, xã Mỹ Quý Đông có 17 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ - Đặng Thị Thúy thông tin: “Xã khẩn trương triển khai để người dân nắm bắt thông tin kịp thời về chính sách cho vay ưu đãi. Bên cạnh đó, MTTQ, đoàn thể xã, chi bộ, ban quản lý ấp đều phát huy những tuyên truyền viên tích cực vận động người dân có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài thì chọn đúng nơi, đúng nhu cầu, không để bị các đối tượng lợi dụng lừa gạt sang nước ngoài làm việc trái quy định của pháp luật, dẫn đến “tiền mất, tật mang””.

Kết quả trong công tác giảm nghèo của huyện Đức Huệ là nhờ vận dụng tốt chính sách chung, sáng tạo trong cách làm nhưng quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và xây dựng cho người dân quyết tâm tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Như Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết