Tiếng Việt | English

17/06/2024 - 09:20

Đừng quá áp lực trước kỳ thi!

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến rất gần, đây là thời gian học sinh (HS) lớp 12 tập trung ôn luyện cao độ. Giai đoạn “chạy nước rút” cho kỳ thi quan trọng khiến hầu hết các sĩ tử gặp phải áp lực tâm lý rất lớn.

Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, học sinh cảm thấy lo lắng, áp lực

Nguyễn Thanh Ngân - HS Trường THPT Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), thổ lộ: “Em rất lo lắng vì thời gian ôn tập không còn nhiều nhưng lượng kiến thức cần bổ sung lại rất lớn. Để giải được câu hỏi đòi hỏi sử dụng liên thông nhiều kiến thức, em còn phải ôn lại bài từ lớp 10, lớp 11”.

Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh (TS) rơi vào trạng thái “không biết học gì, ôn gì” vì lượng kiến thức “rơi rụng” qua các năm học là không ít. Trong khi đó, đề cương ôn thi lại có các câu hỏi phải vận dụng kiến thức nhiều khối để tìm kết quả. Nếu không nắm vững các kiến thức cơ bản, TS sẽ khó vượt qua.

Thầy Chu Quốc Thắng - giáo viên môn Toán, Trường THPT Nguyễn Trung Trực-Bến Lức (huyện Bến Lức), chia sẻ: “Còn khoảng 2 tuần nữa, các em sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Là giáo viên trực tiếp hướng dẫn HS lớp 12 ôn tập, tôi cố gắng biên soạn các đề bám sát đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giúp các em làm quen với các dạng đề. Tôi hiểu được áp lực thi cử của các em nên trong các tiết dạy luôn động viên, tạo không khí học tập thoải mái nhất cho các em dễ tiếp thu kiến thức”.

“Mỗi ngày, ngoài học ở trường, em dành từ 4-5 giờ tự học ở nhà. Có khi em giải đề thi thử đến 1 giờ sáng mới đi ngủ, sáng hôm sau lại tiếp tục lên lớp. Nhiều ngày lặp lại như vậy khiến em mệt mỏi, chỉ mong nhanh chóng vượt qua kỳ thi” - Thanh Ngân tâm sự.

Căng thẳng trước mỗi kỳ thi không phải lạ nhưng căng thẳng kéo dài hay không biết cách cân bằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả ôn tập. Không nên xem nhẹ áp lực tâm lý, đây có thể coi là chướng ngại lớn nhất quyết định kết quả thi. Võ Trần Thị Kim Tuyền - HS Trường THPT Nguyễn Trung Trực-Bến Lức, bộc bạch: “Dù có thành tích học tập tốt trong 3 năm liền nhưng em vẫn cảm thấy rất áp lực. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Nếu kết quả không như mong muốn, để thi lại vào năm 2025, em phải học theo chương trình mới. Có những lúc em rất mệt nhưng nghĩ đến các TS khác vẫn đang ôn tập chăm chỉ, em lại không dám nghỉ ngơi”.

Kim Tuyền không phải là trường hợp duy nhất dù có kết quả học tập tốt, nắm vững kiến thức nhưng vẫn bị áp lực. Trần Ngọc Thái - HS Trường THPT Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc), cũng đang gặp phải nhiều trở ngại tâm lý. Ngọc Thái chia sẻ: “Kết quả học tập tốt lại gây áp lực cho em nhiều nhất. Nếu em ỷ lại vào thành tích đó mà lơ là ôn tập thì kết quả thi sẽ rất tệ. Trong thời gian này, em lại hay so sánh mình với bạn bè, các anh, chị trong gia đình. Em sợ kết quả thi thua kém bạn bè, anh, chị sẽ làm ba mẹ thất vọng. Ngoài học ở trường từ sáng tới chiều, em dành nhiều thời gian tự học tại nhà. Em học đến 0 giờ thì đi ngủ, 5 giờ sáng dậy học tiếp, đến 7 giờ thì lên lớp”.

Có định hướng và kế hoạch rõ ràng từ khi bước vào lớp 12 sẽ giúp các TS giảm được áp lực trước kỳ thi. Tuy nhiên, không phải TS nào cũng định hướng được đam mê, sở thích, thế mạnh của mình để lên kế hoạch từ đầu. Dù “chạy nước rút” nhưng TS cần duy trì trạng thái bình tĩnh, tìm điểm hạn chế để khắc phục kịp thời.

Cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi rất quan trọng trong thời gian ôn tập. Để đạt kết quả tốt, ngoài chuẩn bị kiến thức, sức khỏe là yếu tố quan trọng. Đã có không ít trường hợp TS ngủ quên, đau đầu, ngất xỉu do trước ngày thi thức khuya, bỏ bữa, dành thời gian học bài, làm bài.

Thầy Chu Quốc Thắng chia sẻ thêm: “Để làm quen với cách thức và cấu trúc bài thi, các em cần ôn tập các chủ đề trọng tâm, thực hành các bài tập mẫu và giải đề thi thử thường xuyên; tập trung tinh thần, tránh lo lắng quá mức, phải giữ vững niềm tin vào bản thân. Bên cạnh đó, các em cần duy trì thời gian biểu học tập, giải trí, nghỉ ngơi hợp lý; bảo đảm ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh. Tôi thường xuyên nhắc nhở không nên học tập quá tải dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng. Sức khỏe và tâm lý là yếu tố then chốt không nên bỏ qua”.

Thời gian này, phụ huynh cũng cần quan tâm đến con em nhiều hơn. Phụ huynh có thể trở thành người bạn tâm sự, chia sẻ và động viên tinh thần, giúp các em giải tỏa áp lực. Ngoài ra, phụ huynh cần chú ý đến thời gian biểu của con, giúp các em phân chia thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý để ôn luyện đạt hiệu quả.

Tất cả vì Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

 

Tất cả vì Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế  

UBND tỉnh Long An tổ chức Họp trực tuyến Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Phụ huynh của em Nguyễn Thanh Ngân - chị Trần Thị Viễn nói: “Tôi hiểu con gặp nhiều áp lực trong quá trình học tập, thi cử. Tôi động viên con cố gắng hết sức mình nhưng không đặt nặng thành tích cho con. Tôi cũng nhắc nhở con nên ăn uống, nghỉ ngơi những lúc thấy con mải mê ôn tập”.

Áp lực thi cử, lo lắng về kết quả, sự mong đợi của gia đình và xã hội không thể giúp các TS bứt phá thành công mà vô tình trở thành chướng ngại nếu các TS không biết cách vượt qua. Để mở ra bước ngoặt lớn, TS cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe vững vàng./.

Thi Mỹ

Chia sẻ bài viết