Tiếng Việt | English

08/04/2020 - 16:39

Đường sắt vẫn ''còng lưng'' chạy tàu an sinh dù chưa có kinh phí

Dù chưa được phê duyệt kinh phí để chạy tàu khách an sinh xã hội, trong 2 năm qua, song Tổng công ty Đường sắt vẫn phải duy trì hoạt động và chỉ tạm dừng khai thác khi dịch COVID-19 phức tạp.


Đoàn tàu tại ga Hà Nội của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu khách an sinh xã hội các năm 2019-2020 với kinh phí dự kiến gần 60 tỉ đồng, giúp các doanh nghiệp cổ phần vận tải đường sắt giảm thiệt hại vì dịch COVID-19.

Theo đó, VNR đã lập và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch chạy tàu an sinh các năm 2019, 2020 đối với 3 đôi tàu khách địa phương chạy tuyến Long Biên-Quán Triều, Yên Viên-Hạ Long, Hà Nội-Đồng Đăng do trên mỗi tuyến này hiện chỉ có duy nhất một đôi tàu khách, với số tiền năm 2019 là 24,9 tỉ đồng và năm 2020 là 34,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay các kế hoạch này vẫn chưa được phê duyệt cho ngành đường sắt.

“Dù chưa được phê duyệt, VNR vẫn duy trì chạy các đôi tàu này. Chỉ đến khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành đường sắt mới giảm tần suất chạy tàu và tạm dừng toàn bộ từ 16/3 vừa qua,” ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho hay.

Theo thống kê của VNR, quý 1/2020, sản lượng vận tải hành khách chỉ đạt hơn 1,4 triệu hành khách lên tàu, bằng 82,6% so với kế hoạch, giảm 30,6% so với cùng kỳ. Trong ba tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách dự kiến là 527,8 tỉ đồng, giảm 65 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỉ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của VNR giảm từ 700 tỉ đồng đến 1.000 tỉ đồng so với kế hoạch và lỗ từ 694 tỉ đồng đến 935 tỉ đồng tùy theo từng thời điểm kết thúc dịch COVID-19.

Chỉ ra nguyên nhân, phía VNR cho biết từ đầu năm tới nay các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt các đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế do không có khách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tạp. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo việc hoàn thành kế hoạch đã được giao.

Hiện ngành đường sắt chỉ duy trì một đôi tàu Bắc-Nam hàng ngày để đảm bảo an sinh xã hội, trong khi hạ tầng đường sắt toàn tuyến vẫn phải vận hành.

Để duy trì hoạt động vận tải, các đơn vị đường sắt đang tổ chức thêm các đoàn tàu hàng với tốc độ gần bằng tàu Thống Nhất để thu hút doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, VNR phối hợp với đường sắt Trung Quốc khai thác các đoàn tàu liên vận quốc tế chở container lạnh xuất khẩu hoa quả, thủy hải sản giữa hai nước. 

Mặt khác, Tổng công ty Đường sắt kiến nghị được miễn một loạt thuế, phí như: Thuế thu nhập cá nhân, phí công đoàn, phí sử dụng kết cấu hạ, giảm tiền thuê sử dụng đất và được khoanh nợ, giảm lãi vay ngân hàng./.

Theo Vietnamplus

Chia sẻ bài viết