Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Hậu quả mà tin giả mang tới là rõ ràng trên khắp thế giới. Trong thời gian gần đây, người dân Ấn Độ đã cảm thấy điều này sâu sắc nhất, với sự lây lan của thông tin sai lạc dẫn đến cái chết của 12 người trong hai tháng qua.
WhatsApp và công ty mẹ Facebook, đã thực hiện một số biện pháp ngăn chặn tin tức giả mạo, từ việc làm phim ngắn để xin tài trợ nghiên cứu về vấn đề này cho đến giờ đây họ đang thu hút sự quan tâm trực tiếp từ người dùng.
Tuần này, Facebook đã đưa ra các quảng cáo toàn trang trên một số tờ báo in ở Ấn Độ để người dùng WhatsApp suy nghĩ cẩn thận về các thông điệp họ nhận được và cung cấp 10 mẹo để phát hiện tin tức giả mạo.
Quảng cáo cũng cho thấy kế hoạch của Facebook tung ra một tính năng mới cho người dùng biết liệu tin nhắn họ nhận được đã được chuyển tiếp từ người khác hay chưa.
"Hãy kiểm tra sự thật khi bạn không chắc ai là tác giả của tin nhắn gốc," thông điệp Facebook gửi tới người dùng.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook dựa vào quảng cáo trên báo in để trấn an người dùng về nền tảng của nó. Mạng xã hội này đã từng chạy quảng cáo toàn trang với lời xin lỗi sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica và đưa ra những tư vấn quảng cáo trước các cuộc bầu cử châu Âu, cảnh báo về sự nguy hiểm của thông tin sai lạc.
Thông điệp tổng quát của quảng cáo gần đây nhất - giống như nhiều nỗ lực của Facebook trong việc giải quyết tin tức giả mạo - về cơ bản đặt trách nhiệm người dùng với việc kiểm tra lại các nguồn tin.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Gã khổng lồ truyền thông xã hội cần phải hành động nhiều hơn là chỉ thuyết giảng đạo đức trên một phương tiện truyền thông "già cỗi" như báo in./.
Theo TTXVN