Tiếng Việt | English

14/02/2019 - 10:22

Facebook tăng cường chống tin giả cho cuộc bầu cử lớn nhất thế giới

Facebook đã thiết lập năm quan hệ đối tác mới ở Ấn Độ để mở rộng chương trình kiểm tra thực tế (fact-checking) trước cuộc tổng tuyển cử của nước này vào tháng 5.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Gã khổng lồ công nghệ tuyên bố đã hợp tác với India Today Group, Vishvas.news, Factly, Newsmobile và Fact Crescendo. Tất cả đều được chứng nhận thông qua mạng lưới kiểm tra thực tế quốc tế. Các đối tác sẽ xem xét các tin tức được đăng trên Facebook để biết sự thật và đánh giá độ chính xác của chúng. Các bài viết được đánh giá là sai dự kiến sẽ giảm tỷ lệ phát tán xuống khoảng 80%.

Facebook cũng tuyên bố rằng các quan hệ đối tác mới sẽ mở rộng khả năng kiểm tra thực tế sang ba ngôn ngữ mới, cho phép họ theo dõi tin tức bằng tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Bengali, tiếng Telugu, tiếng Malayalam và tiếng Marathi.

Những bài viết, tin tức được gắn cờ là sai sẽ được chuyển xuống cuối Nguồn cấp tin tức (News Feeds) của người dùng, điều mà Facebook cho biết sẽ làm giảm đáng kể việc phát tán các tin tức này. Các trang và trang web liên tục chia sẻ tin tức sai lệch sẽ có khả năng loại bỏ quảng cáo và kiếm tiền.

"Chúng tôi cam kết chống lại sự lan truyền của tin tức giả trên Facebook, đặc biệt là trước mùa chiến dịch Tổng tuyển cử 2019. Và một cách để làm điều đó là tăng cường hợp tác với các công cụ kiểm tra thực tế của bên thứ ba," Manish Khanduri, người đứng đầu đối tác tin tức của Facebook tại Ấn Độ cho biết.

Các đối tác kiểm tra thực tế sẽ có thể viết các bài báo cung cấp cho người dùng nhiều thông tin hơn về các bài đăng riêng lẻ, sẽ xuất hiện bên dưới các bài viết, tin tức sai lệch trong nguồn cấp tin tức. Facebook cho biết họ sẽ bổ sung điều này bằng cách thông báo cho người dùng khi họ chia sẻ tin tức sai lệch.

Theo The Guardian, cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ năm 2019 được cho là cuộc bầu cử lớn nhất thế giới. Ước tính 850 triệu người sẽ đi bỏ bỏ phiếu.

Thời gian qua, Facebook đã bị chỉ trích gay gắt ở Ấn Độ khi dịch vụ nhắn tin Whatsapp bị lợi dụng để phát tán các tin đồn thất thiệt, tin giả gây ra các vụ việc bất ổn trong dư luận quốc gia đông dân thứ hai thế giới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết