Tiếng Việt | English

11/06/2022 - 18:47

GDP năm nay có thể đạt trên 7%

Nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan nhận định, với sự phục hồi và tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực… GDP năm nay có thể đạt và vượt mục tiêu đề ra trên 7%.

Số liệu công bố của Tổng Cục thống kê mới đây cho thấy, kinh tế trong 5 tháng qua đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan nhận định, với sự phục hồi và tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực… GDP năm nay có thể đạt và vượt mục tiêu đề ra trên 7%.

Theo đó, một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Những tháng cuối năm các gói hỗ trợ nền kinh tế cần được tổ chức và triển khai tốt để hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục nhanh.

Những tháng cuối năm các gói hỗ trợ nền kinh tế cần được tổ chức và triển khai tốt để hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục nhanh.

Cụ thể, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao, tính chung 5 tháng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%; nhập khẩu tăng 14,9%. Sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu lạc quan: chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2022 ước tính tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%.

Tính chung 5 tháng qua, cả nước có 63.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký gần 438.000 lao động, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 6,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm nay ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm, các năm 2018-2022…

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để đạt được những kết quả này là do các chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ đã được các bộ ngành, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Đồng thời cho rằng, GDP năm nay có thể đạt và vượt kết hoạch đặt ra trên 7%.

“Chúng ta mở cửa được dịch vụ du lịch tăng trưởng đến 300% so với quý I, rõ ràng đây sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP rất lớn. Số doanh nghiệp thành lập 5 tháng vừa qua rất cao so với thời gian trước đây, các nhà đầu tư trong nước cũng đánh giá khả năng đem lại lợi nhuận, cũng như ổn định và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn vào thị trường Việt Nam và vốn đầu tư FDI giải ngân tăng hơn 10% trong thời gian 5 tháng vừa qua khiến hoạt động kinh tế sẽ tốt hơn, làm cơ sở cho GDP năm nay có thể đạt 6,5- 7,5%”, TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện giá dầu mỏ tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng lên sẽ có những tác động đến lạm phát. Do đó cần có sự điều chỉnh thận trọng hơn về tăng giá của một số lĩnh vực theo quy định.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những tháng cuối năm các gói hỗ trợ nền kinh tế cần được tổ chức và triển khai tốt sẽ giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục nhanh, từ đó tạo điều kiện cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đối với áp lực về sức ép về kìm chế lạm phát, ông Lộc cho rằng, cần duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay và phối hợp được các chính sách tài khóa, tiền tệ một cách khá nhuần nhuyễn như thời gian mấy năm qua.

“Tôi nghĩ là mặc dù áp lực lạm phát trên thế giới đang rất cao, nhưng ở trong nước phục hồi nền kinh tế cũng cần có một quá trình, tổng cầu trong nền kinh tế cũng không thể tăng một cách đột biến nên áp lực lạm phát sẽ không quá lớn. Trên thực tế, trong quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam chậm hơn so với thế giới một nhịp nên hiện quá trình phục hồi mới chỉ bắt đầu, việc thực hiện các chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ cần tiếp tục. Tôi tin rằng hoàn toàn có thể kiểm soát được mục tiêu kiềm chế lạm phát”, ông Lộc nói./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết