Tiếng Việt | English

03/10/2017 - 13:59

Giá thấp người chăn nuôi ngại tái đàn

Thời gian qua, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC), nhất là heo, gà trên địa bàn tỉnh Long An gặp rất nhiều khó khăn do giá thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Người dân không mặn mà tái đàn, dù sắp vào dịp Tết Nguyên đán.


Nhiều hộ chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn

Không mặn mà

Theo như các năm trước, thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tái đàn, tăng đàn GSGC của gia đình để phục vụ trong dịp tết. Tuy nhiên, hiện nay, do giá thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định nên người chăn nuôi e ngại tái đàn, chỉ dừng lại ở mức nuôi như ngày thường; thậm chí, một số hộ dân còn giảm đàn.

Kinh nghiệm chăn nuôi gà hơn 15 năm, với tổng đàn trung bình khoảng 10.000 con gà, mỗi năm thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, ngụ phường 4, TP.Tân An, năm nay không tái đàn như thời gian trước. Một dãy chuồng gà, ông bỏ trống khoảng mấy tháng trở lại đây. Thông thường, gần tết, ngoài nuôi gà đẻ, ông Hữu còn nuôi thêm gà lấy thịt để bán, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, giá trứng, giá gà thịt giảm nên ông chỉ còn duy trì 5.000 con gà đẻ để bán trứng, do chi phí đầu tư cao; trong khi đó, giá hiện tại chỉ ở mức huề vốn chứ không lời (bị lỗ công chăm sóc).

Ông Hữu lo lắng: “Giá hiện tại, người chăn nuôi không lời, thậm chí còn lỗ. Tôi không tái đàn, thậm chí, giảm nửa đàn mặc dù dịp này mấy năm trước, gia đình tranh thủ tăng đàn để kiếm thêm thu nhập. Đầu tư 2 dãy chuồng trại khoảng 1.000m2 với gần 1 tỉ đồng nhưng năm nay giá thấp, tôi chỉ nuôi cầm cự, chờ xem giá cả ra sao,... Gia đình tôi nuôi gà với quy trình khép kín, sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAHP. Chúng tôi kiến nghị, ngành chức năng cần hỗ trợ đầu ra và tổ chức liên kết sản xuất để người dân bớt khó khăn”.

Tâm trạng giống như ông Hữu, ông Trần Thanh Phong, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Với tình hình bấp bênh như hiện nay, người chăn nuôi không dám tái đàn. Mấy năm trước, đàn gà của gia đình lúc nào cũng trên 15.000 con gà thịt, cao điểm khoảng 20.000 con nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 10.000 con. Vừa mới xuất bán nhưng tôi chưa dám tái đàn trở lại, chờ xem tình hình giá cả như thế nào rồi mới tính tiếp. Nếu có tái đàn cũng chỉ nuôi ít để giữ chuồng thôi!”.

Theo Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành - Bùi Ngọc Tư, trước đây, việc chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao nhưng gần đây giá thấp, nhiều hộ bị thua lỗ nên người dân giảm đàn, chuyển đổi sang trồng thanh long. Một số hộ dân vẫn bám trụ nhưng không mặn mà với việc tái đàn. Sau một đợt xuất chuồng, hầu hết người chăn nuôi chờ xem tình hình rồi mới quyết định tiếp tục nuôi hay không. Hiện, toàn huyện chăn nuôi tổng đàn gà gần 79.000 con, vịt hơn 80.000 con, bò khoảng 7.500 con, heo hơn 24.000 con. Số lượng này giảm khá nhiều so với trước đây.


Bỏ trống chuồng trại vì chăn nuôi thua lỗ

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn khoảng 230.000 con; trâu, bò khoảng 140.000 con; bò sữa 20.000 con; tổng đàn gia cầm gần 6 triệu con.

Toàn tỉnh xây dựng 4 vùng chăn nuôi theo hướng VietGAHP, có 46 nhóm với trên 700 hộ chăn nuôi gà và heo tham gia. Thông qua dự án Lifsap, người chăn nuôi tại 19 xã thuộc 4 huyện: Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc và Tân Trụ tiếp cận, thực hành quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, giảm giá thành,...

Trong 46 nhóm chăn nuôi, có 14 nhóm và 2 hợp tác xã được chứng nhận GAHP, nhưng chưa có đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Nuôi cầm chừng

Từng là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm khoảng 300 triệu đồng nhưng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Lê, ngụ ấp 3, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, đang gặp khó trong chăn nuôi heo. Ông Lê chia sẻ: “Mấy năm trước, chăn nuôi đạt hiệu quả cao, tổng đàn heo của gia đình tôi lúc nào cũng trên 100 con, xuất bán 2 đợt/năm. Năm nay, do giá thấp nên bị thua lỗ. Giờ trong chuồng chỉ còn lại vài chục con, tôi nuôi cầm chừng chứ bỏ chuồng thì tiếc lắm! Còn việc tái đàn thì chắc không thực hiện, chủ yếu heo nhà đẻ thì giữ lại để nuôi thôi!”.

Tại huyện Tân Trụ, các hộ chăn nuôi cũng nuôi cầm chừng, chỉ giữ chuồng, còn số hộ khác thì bỏ hẳn vì quá thua lỗ. Hiện nay, giá heo hơi dao động từ 29.000-31.000 đồng/kg, theo người dân, với giá này không thể nào có lời được.

Trưởng nhóm Chăn nuôi heo áp dụng GAHP, ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng - Huỳnh Văn Bảy cho biết: “Với giá heo hiện nay, người chăn nuôi bị lỗ. Mấy năm trước, tổng đàn heo trong nhóm trên 2.000 con, cao điểm dịp tết lên 3.000 con nhưng giờ số lượng giảm chỉ còn trên 1.000 con. Nhóm có 22 thành viên nhưng liên tiếp bị lỗ nên 2 thành viên bỏ chuồng, xin rút khỏi nhóm; các hộ còn lại cũng chỉ nuôi cầm chừng. Phía công ty bán thức ăn hỗ trợ chúng tôi bằng cách giảm 40.000 đồng/bao (bình quân, 1 con heo nuôi bình thường đến lúc xuất chuồng (hơn 3 tháng) ăn hết 7 bao thức ăn). Tính ra mỗi năm, với tổng đàn trên 100 con giảm khoảng 60-70 triệu đồng chi phí mua thức ăn nhưng vẫn không có lời. Riêng gia đình tôi, bình thường nuôi 150 con, một đợt lời khoảng 60-70 triệu đồng nhưng năm nay bị lỗ nhiều quá! Bao nhiêu năm nuôi heo, tôi chưa từng thấy cảnh “ảm đạm” như thời gian gần đây. Giờ nhìn chuồng bị bỏ trống 1 dãy mà tiếc quá!”.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Trụ, một năm trở lại đây, đàn GSGC trên địa bàn giảm khá nhiều, các hộ dân chỉ nuôi cầm chừng để không bỏ trống chuồng, việc tái đàn hầu như ít ai nghĩ đến.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng thông tin: Việc chăn nuôi GSGC trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, người dân bị thua lỗ kéo dài nên ngại tái đàn. Chi cục khuyến cáo người dân phải chăn nuôi theo hướng an toàn (VietGAHP, GAHP), tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng tốt nhưng phải giảm giá thành và sản xuất theo nhu cầu của thị trường”.

Phía ngành, tiếp tục rà soát và triển khai các chính sách chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh nhằm hỗ trợ người dân. Tham mưu UBND tỉnh rà soát quy hoạch chăn nuôi sao cho gắn với thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Phối hợp các ngành chức năng xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho người chăn nuôi. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn hộ dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành đến mức thấp nhất - trong điều kiện có thể - bà Phượng thông tin thêm./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết