“Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao, trên 4 triệu đồng/lượng do nguồn cung hạn chế, nhu cầu bán ra không nhiều, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vàng Agribank nói.
Lao đao vì giá vàng “bốc hơi” mạnh
Ngày 7/8, giá vàng SJC được Công ty CP SJC Hà Nội giao dịch ở mức 32,78 - 32,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 30.000 đồng/lượng ở chiều mua và bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm 6/8. Giá vàng SJC tại Bảo Tín - Minh Châu niêm yết ở mức 32,83 - 32,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 30.000 đồng/lượng so với ngày 6/8. Còn tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC tăng 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán so với chốt phiên 6/8, giao dịch ở mức 32,78 - 32,90 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm mạnh nhưng chênh lệch vẫn nhiều. Ảnh: Lê Phú
Đại diện Công ty Bảo Tín - Minh Châu cho biết: Mặc dù giá vàng trong nước có xu hướng giảm nhẹ nhưng lượng khách mua vào tích trữ ít hơn lượng khách bán ra. Tuy nhiên, lượng mua, bán chênh lệch không lớn với 40% mua vào và 60% bán ra. Theo nhóm phân tích của Tập đoàn Doji, diễn biến giá vàng đang rất nhạy cảm nên các nhà đầu tư cũng như người dân cần cân nhắc khi quyết định mua bán.
“Thị trường vàng trong nước hầu như bão hòa do nhu cầu mua, bán chững lại. Lượng người bán không nhiều vì trước đó nhiều người đã tranh thủ xả hàng do sợ giá vàng lao dốc thêm. Vài ngày qua, lượng vàng mua vào, bán ra chỉ xoay quanh vài trăm lượng đến khoảng 1.000 lượng”, ông Nguyễn Công Tường - Phó phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2015, thị trường vàng trong nước khá trầm lắng trong bối cảnh thị trường thế giới đôi lúc có những biến động mạnh. Giá vàng chủ yếu xoay quanh mốc 34,3 - 35,5 triệu đồng/lượng. Tới tháng 7/2015, giá vàng biến động theo giá vàng thế giới, giá vàng giao ngay dưới mức 1.150 USD/ounce là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Bình quân giá vàng trong nước dao động quanh mức 3,3 triệu đồng/lượng.
Nhìn nhận diễn biến thị trường vàng, một chuyên gia trong ngành cho biết: Giới đầu tư lao đao vì kim loại quý này đã “bốc hơi" hàng triệu đồng/lượng kể từ đầu năm. Trong 7 tháng qua, cứ nắm giữ một lượng vàng SJC thì giới đầu tư đã lỗ gần 2 triệu đồng. Mặc dù thời điểm này, vàng đã qua cơn “bão giá” nhưng nhiều chuyên gia vẫn dự báo trong năm nay nhiều khả năng giá vàng vẫn tiếp tục “dò đáy”. Tháng 7/2015 được xem là thời điểm khó khăn nhất của thị trường vàng nhưng có điểm khác biệt là vào thời điểm vàng rơi tự do, người dân đã không bị hiệu ứng tâm lý bán tháo cắt lỗ hay mua đuổi kiếm lời theo những “con sóng” vàng như những năm trước đây.
Thị trường vàng đang bị quản chặt
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, thị trường vàng đang bị quản rất chặt là nguyên nhân chính dẫn tới chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. “Nếu như trước đây, khi giá vàng thế giới giảm, doanh nghiệp thường mua vàng ở thị trường quốc tế và trong nước để tung ra bán với số lượng lớn, nên giá vàng trong nước cũng xuống theo. Còn hiện nay, nguồn cung vàng hạn chế do nhập khẩu vàng phải thông qua đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chênh lệnh giá vàng chủ yếu rơi vào vàng miếng SJC do tâm lý người dân sính loại vàng này. NHNN đang muốn giám sát chặt, chống vàng hóa nền kinh tế nên chỉ sản xuất vàng SJC hạn chế. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường vàng ổn định nên NHNN để thị trường tự điều tiết”, đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng nói.
Theo lãnh đạo Công ty CP kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam, giá vàng trong nước cao hơn thế giới vì lượng cung vàng trên thị trường nội địa không còn dồi dào như trước. Vàng SJC độc quyền nguồn cung từ NHNN kể từ khi Nghị định 24 ra đời từ năm 2012 đến nay. Độ vênh hơn 4 triệu đồng/lượng giữa giá vàng thế giới và trong nước còn được xem là một trong những chủ ý của nhà hoạch định chính sách, điều hành thị trường để làm cho giới đầu cơ, đầu tư trên thị trường không còn muốn tích trữ vàng như trước đây.
Trả lời về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng cho rằng: Tuy có chênh lệch nhưng không xảy ra các yếu tố gây bất ổn thị trường, không còn hiện tượng bán ra hay mua vào ồ ạt gây xáo trộn thị trường như giai đoạn trước đây. “Khó có thể thu hẹp ngay chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trong ngắn hạn. Bởi, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, ở chừng mực nào đó sẽ có tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô vì tạo ra biến động lớn về giá vàng trong nước, tạo điều kiện cho yếu tố đầu cơ xuất hiện. Vì vậy, để chống “vàng hóa” trong nền kinh tế, đảm bảo biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và sự ổn định kinh tế vĩ mô... tạm thời NHNN chưa có tác động chính sách để thu hẹp mức chênh lệch giá vàng nội - ngoại hiện nay”, đại diện NHNN nói./.
Theo TTXVN