Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Qua thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 577 hầm đất với tổng diện tích 1.468 ha; trong đó, 367 hầm không có giấy phép khai thác, 123 hầm được UBND tỉnh cấp phép và 87 hầm được UBND huyện cho phép chuyển mục đích sang loại đất nuôi trồng thủy sản.
Một hầm đất rất sâu ở ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa nhưng lại rào chắn rất sơ sài.
Việc khai thác hầm đất tập trung chủ yếu ở các huyện: Mộc Hóa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Tân Hưng, Thủ Thừa, Đức Hòa và thị xã Kiến Tường. Hiện những hầm đất trên phần lớn đã khai thác xong, nhiều hầm đất khai thác vượt quá độ sâu; sau khai thác xong, hầu như các hầm này đều không được doanh nghiệp, chủ đầu tư rào chắn an toàn và không trồng cây xanh, lắp đặt biển cảnh báo. Thực trạng trên cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác, quản lý khai thác hầm đất của những ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Theo ông Dương Quốc Phương – Phó Phòng Khoáng sản, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc khai thác các hầm đất trên chủ yếu trong giai đoạn từ 2000 đến 2012. Nhiều hầm đất được khai thác nhằm mục đích thực hiện các công trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đường giao thông nông thôn. Thời gian này, Luật Khai thác khoáng sản chưa có những ràng buộc về việc đóng hầm, từ đó dẫn đến việc rào chắn, trồng cây xanh, lắp biển cảnh báo còn bị bỏ ngõ.
Những hầm đất khai thác quá độ sâu, không rào chắn tạo thành những hố sâu “bẫy người”. Trên địa bàn tỉnh có gần 10 trường hợp rớt xuống những hầm đất đang khai thác dở dang hoặc đã khai thác xong, dẫn đến những cái chết thương tâm. Đa phần nạn nhân đều là trẻ em.
Trước những tồn tại, bất cập, sai phạm trong khai thác hầm đất, trong năm 2013, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, khai thác hầm đất trên địa bàn tỉnh, cũng như yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư đóng hầm bảo đảm an toàn.
Đóng hầm còn sơ sài vì khó khăn về kinh phí
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành làm việc với các địa phương; qua đó, phối hợp tiến hành kiểm tra, khảo sát thực địa các hầm đất nhằm có biện pháp giải quyết cụ thể. Phương án đưa ra là làm thủ tục đóng hầm giao cho địa phương quản lý, rút kinh nghiệm từ việc khai thác hầm đất của những năm trước, ngành chức năng thường xuyên tăng cường kiểm tra rào chắn, lắp biển cảnh báo, khoanh vùng khai thác và trồng cây xanh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ từ các địa phương báo về, nhưng khả năng vẫn còn khoảng hơn 100 hầm không phép đã khai thác xong nhưng chưa thực hiện đóng hầm, giao cho chính quyền quản lý. Những hầm không phép này, phía địa phương phải có trách nhiệm đóng hầm đất. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương để thực hiện việc đóng hầm đất. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2016 sẽ hoàn tất việc đóng các hầm đất còn lại trên địa bàn tỉnh để giao cho chính quyền địa phương quản lý. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Trương Thanh Liêm, trước diễn biến hạn, mặn diễn ra thời gian qua, tỉnh đã có chủ trương sử dụng những hầm đất này để trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. |
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Trương Thanh Liêm cho biết: “Trong số 123 hầm được UBND tỉnh cấp phép khai thác, đến nay, có 103 hầm được khai thác xong và Sở đã thực hiện việc đóng cửa hầm bàn giao địa phương quản lý”. Cũng theo ông Liêm, đối với những hầm do UBND tỉnh cấp phép khai thác thì việc đóng hầm được tiến hành khá thuận lợi; còn đối với 367 hầm không phép thì việc đóng hầm rất khó khăn do không đủ kinh phí.
“Hiện chưa có số liệu chính thức, nhưng bước đầu nắm thông tin, toàn tỉnh vẫn còn hơn 100 hầm không phép khai thác xong nhưng chưa thực hiện đóng hầm, giao cho chính quyền quản lý. Những hầm không phép này, địa phương phải có trách nhiệm đóng hầm. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương để thực hiện việc đóng hầm. Kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2016 sẽ hoàn tất việc đóng các hầm đất này để giao cho xã quản lý”, ông Liêm cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, về quy định thủ tục đóng hầm đất trước khi giao cho xã quản lý phải thực hiện lắp hàng rào chắn, trồng cây xanh xung quanh hầm đất nhằm chống sạt lở, lắp biển cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, trở lại địa bàn huyện Đức Hòa – nơi mà mấy năm trước rất “nóng” chuyện khai thác hầm đất, trong đó có mục đích khai thác phục vụ lò gạch, chuyển đổi nuôi trồng thủy sản – thực sự chúng tôi cảm thấy rất lo lắng vì nguy hiểm có thể xảy ra.
Tại khu vực hầm đất tại ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang, nơi trước đây DNTN Tấn Vũ và Cty Thiên Lộc Phát khai thác thì hàng rào, hoặc những dây kẽm gai nhưng nhiều chỗ bị hư hỏng, nhiều cọc bị gãy nằm giữa đất; biển cảnh báo nguy hiểm thì không thấy đâu, chỉ thấy một tấm tol ghỉ sét ở trên đó có viết mấy chữ cảnh bảo nguy hiểm nhưng phải lại gần mới đọc được vì lâu ngày chữ đã bị mờ. Ở 2 hầm đất này không thấy trồng cây xanh xung quanh để chống sạt lở.
Còn ở ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông (cách UBND xã chưa đến 1km), chúng tôi còn thấy lo lắng hơn khi có những hầm đất được rào chắn sơ sài, qua loa,… không trồng cây xanh. Từ sự sơ sài này, gia súc, gia cầm, kể cả người rất dễ đi vào hầm đất và rơi xuống.
Vì rào chắn sơ sài nên trẻ nhỏ ra các miệng hầm đất này chơi đùa
Đáng nói là những hầm đất trên chỉ cách khu vực dân cư vài chục mét. Xung quanh đó có rất nhiều trẻ em tụ tập chơi đùa. Như tại hầm ở ấp Lộc Hưng, khi chúng tôi đến, có 5 trẻ em đang chơi đùa bên sát miệng hầm. “Vì bị bắt buộc nên họ cũng chỉ rào chắn sơ sài chứ không được chắc chắn, an toàn. Thực trạng rất nguy hiểm, nhất là sự an toàn của lũ trẻ”- một người dân ở xã Lộc Giang lo lắng.
Qua trao đổi với phóng viên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Hòa - Trần Minh Thông cho biết: “Đến nay, hầu hết các hầm đất trên địa bàn huyện, ngành chức năng đã vận động các đơn vị khai thác, hộ dân thực hiện đóng hầm và giao cho địa phương quản lý. Chỉ có một hầm phải xuất kinh phí sự nghiệp môi trường của huyện để làm thủ tục đóng hầm. “Tuy nhiên, có tình trạng sau khi đóng hầm xong, bàn giao cho địa phương quản lý, sau đó một thời gian lại phát hiện bị mất cắp hàng rào”.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Trương Thanh Liêm cũng lý giải rằng, có những hầm đất rào chắn, trồng cây xanh chưa đạt yêu cầu là do khó khăn về kinh phí. “Kinh phí rất hạn hẹp, nếu thực hiện đầy đủ các bước đóng hầm theo quy định thì rất khó làm được”./.
Lê Đức