Tiếng Việt | English

07/09/2020 - 09:05

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Lập:

Giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có nhiều mô hình giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Mô hình may gia công của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Lập góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương

Hội LHPNVN xã Tân Lập hiện có nhiều mô hình giảm nghèo như may gia công, đan túi nhựa, xe nhang, trồng cây ăn trái,... góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Để các mô hình này được duy trì và nhân rộng, Hội LHPNVN xã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Ngoài ra, đối với người nghèo, các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, Hội còn phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng.

Chị Lê Thị Thúy Anh, ngụ ấp Kinh Nhà Thờ, chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công nhân với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Sau khi sinh con, tôi quyết định nghỉ việc ở nhà nhận hàng về may gia công. Ban đầu, gia đình tôi chỉ có 3 máy may công nghiệp, chủ yếu là chị em trong nhà làm. Nhận thấy nguồn hàng dồi dào, có thể giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương nhưng ngặt nỗi tôi không có tiền mua máy may. Tôi đang loay hoay tìm nguồn vốn thì được Hội LHPNVN xã tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua 6 máy may công nghiệp. Khi tôi mở rộng cơ sở sản xuất, nhiều chị em còn chủ động xin nhận hàng về nhà may gia công. Hiện nay, cơ sở của tôi giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng”.

Năm 2010, chị Lê Thị Bích Dung quyết định rời TP.HCM về xã Tân Lập lập nghiệp bằng nghề may gia công. Lúc đó, cơ sở của chị chỉ có 8 công nhân, trong khi đó, nguồn hàng dồi dào nhưng lại thiếu nhân công. Trước tình hình trên, chị mạnh dạn nhận nhiều lao động không có tay nghề vào cơ sở đào tạo từ 2-3 tháng. Chia sẻ với cơ sở may gia công của chị Dung, Hội LHPNVN xã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp đào tạo nghề may công nghiệp. Nhờ vậy, chị Dung vừa giảm được chi phí đào tạo, vừa có nguồn lao động có tay nghề. Chưa dừng ở đó, Hội LHPNVN xã còn tạo điều kiện cho chị Dung vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua thêm máy may công nghiệp. Số máy này, chị Dung mạnh dạn giao cho những phụ nữ có con nhỏ không thể trực tiếp đến cơ sở làm việc mà chỉ có thể nhận hàng về nhà gia công.

Chị Võ Thị Hồng Len, ngụ xã Tân Lập, cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, kinh tế không ổn định. Tôi có 2 con nhỏ nên đi làm xa không an tâm. Vì vậy, khi có cơ sở may gia công của chị Dung, tôi mạnh dạn đăng ký học nghề may công nghiệp để vừa có việc làm, thu nhập ổn định, vừa có thể chăm sóc gia đình”.

Hiện nay, Hội LHPNVN xã Tân Lập có trên 1.350 hội viên, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ là 38 hộ. Theo chỉ tiêu bình quân mỗi năm, Hội LHPNVN xã phải giảm từ 3-5 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Để đạt kế hoạch đề ra, thời gian tới, Hội LHPNVN xã phối hợp các ngành liên quan rà soát, phân loại đối tượng nghèo, từ đó có biện pháp giảm nghèo hiệu quả. Cụ thể, phụ nữ còn trong độ tuổi lao động sẽ được dạy nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; còn phụ nữ lớn tuổi, thuộc dạng neo đơn sẽ vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ bằng việc tặng quà, xây nhà tình thương.

Chủ tịch Hội LHPNVN xã Tân Lập - Phan Thị Mai cho biết: “Dạy nghề, giảm nghèo là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nhất là tạo điều kiện nâng cao mức sống cho người dân. Với những cách làm mới, Hội LHPNVN xã Tân Lập đã và đang giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, Hội LHPNVN xã tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ Tân Lập nói riêng, Tân Thạnh nói chung”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết