Lực lượng chức năng bắt đối tượng Đào Đức Hạnh (thứ 2, trái qua) và khám xét phòng làm việc
Cấu kết từ trong đến ngoài trung tâm
Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang thành lập năm 2014, được giao đào tạo sơ cấp nghề bậc 1, 2, 3 các nghề thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy nội địa, xét cấp chứng chỉ chuyên môn và bồi dưỡng thi cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải tổ chức.
Theo quy định, để được xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề bậc 1, người học phải tham gia học tối thiểu 5 tín chỉ, với số mô-đun đào tạo tối thiểu là 3 mô-đun và thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ; chứng chỉ nghề bậc 3 phải tham gia học tối thiểu 25 tín chỉ, với số mô-đun đào tạo tối thiểu là 15 mô-đun.
Sau khi được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề thuyền trưởng, máy trưởng và hoàn thành thời gian tập sự đủ 6 tháng trở lên thì được dự thi để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng 3 mà không phải dự học chương trình tương ứng. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, cơ quan chức năng phát hiện tại Trung tâm này có dấu hiệu phạm tội khi làm hồ sơ học khống, cấp khống chứng chỉ sơ cấp nghề các loại nên tiến hành xác minh điều tra.
Thượng tá Nguyễn Quốc Cường - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), cho biết: “Đầu tháng 3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” tại Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang để điều tra, làm rõ; đồng thời, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Đào Đức Hạnh (52 tuổi, ngụ khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM). Thời điểm đó, ông Hạnh là Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang”.
Sau đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định đình chỉ hoạt động của Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang. Ngành chức năng cũng đã làm việc với đại diện công ty là đơn vị chủ đầu tư Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang. Qua đó, yêu cầu chủ đầu tư rà soát báo cáo về tình hình hoạt động tại trung tâm và phải giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan, còn dang dở, nhất là các chế độ, chính sách, quyền lợi của giáo viên, học viên.
Sau khi bắt Hạnh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh mở rộng điều tra vụ án và đến nay tiếp tục khởi tố thêm 8 bị can liên quan. Trong đó, 3 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ gồm: Phạm Xuân Hải (39 tuổi), Hoàng Tiến Vũ (45 tuổi), cùng ngụ TP.HCM và Mai Hoài Tiên (34 tuổi), ngụ tỉnh Quảng Nam. Qua xác minh, Vũ là anh vợ của Hạnh.
5 bị can bị khởi tố về tội đưa hối lộ gồm: Trần Thanh Long (44 tuổi, thường trú tỉnh An Giang, nghề nghiệp buôn bán); Trần Thị Kim Cúc (38 tuổi, thường trú TP.HCM, nguyên giáo viên Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải đường thủy 2); Trần Thị Hồng Xuyến (35 tuổi, thường trú TP.HCM, kinh doanh photocopy tại Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải đường thủy 2); Nguyễn Văn Hồ (53 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, làm vườn) và Trần Thanh Hiền (54 tuổi, thường trú tỉnh Tiền Giang, nghề nghiệp buôn bán). Trong đó, các bị can: Long, Cúc bị bắt tạm giam; còn Xuyến, Hồ và Hiền cho tại ngoại.
Bước đầu xác định đã cấp khống hơn 3.000 chứng chỉ nghề
Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, 3 đối tượng: Hải, Vũ, Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội nhận hối lộ, đều từng làm việc tại Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang theo sự sắp xếp, phân công, bố trí công việc của Hạnh. Cụ thể, Hải làm Tổ trưởng Tổ điều khiển phương tiện thủy nội địa; Vũ làm Trưởng phòng Đào tạo; Tiên làm Phó Trưởng phòng Đào tạo.
Qua điều tra ban đầu đã xác định, 3 đối tượng trên biết rõ Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang không thực hiện việc đào tạo nghề; đồng thời, biết rõ việc Hạnh (khi đó là giám đốc) nhận tiền cấp khống chứng chỉ nghề sơ cấp cho người có nhu cầu. Từ đó, những người có chứng chỉ này tiếp tục làm hồ sơ thi lấy giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng 3 và các chứng chỉ chuyên môn khác. Dù vậy, cả 3 đối tượng vẫn giúp sức cho Hạnh để làm hồ sơ cấp khống chứng chỉ nghề. Các đối tượng được Hạnh trả tiền công hàng tháng.
Còn 5 bị can bị khởi tố tội đưa hối lộ là Long, Cúc, Xuyến, Hồ, Hiền. 5 đối tượng này đã đưa tiền cho bị can Hạnh nhằm mục đích được cấp chứng chỉ nghề cho những người có nhu cầu nhưng không qua đào tạo theo thông tin do các đối tượng này cung cấp.
Riêng bị can Đào Đức Hạnh, kết quả điều tra đến nay đã xác định, Hạnh lợi dụng quyền hạn là Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang để nhận hối lộ rồi cấp khống chứng chỉ nghề sơ cấp các loại. Từ năm 2019 đến đầu năm 2023, Đào Đức Hạnh không chiêu sinh đào tạo nghề theo quy định. Ngược lại, Hạnh nhận tiền hối lộ từ các đối tượng trung gian bên ngoài, sau đó chỉ đạo nhân viên do mình phân công, bố trí công việc tại trung tâm là Hải, Vũ, Tiên làm khống hồ sơ học và cấp khống chứng chỉ sơ cấp nghề các loại cho nhiều cá nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với giá từ 1,5-1,7 triệu đồng/chứng chỉ.
Sau đó, những người có chứng chỉ sơ cấp nghề này sử dụng để tiếp tục làm hồ sơ xét cấp chứng chỉ chuyên môn thủy thủ, thợ máy, huấn luyện an toàn cơ bản (các chứng chỉ này do Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang cấp) và làm hồ sơ dự thi để được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng.
“Đến nay, Cơ quan CSĐT đã xác định được bị can Hạnh nhận hối lộ hơn 3 tỉ đồng từ 5 đối tượng đầu mối là Long, Cúc, Xuyến, Hồ, Hiền để cấp khống hơn 3.000 chứng chỉ sơ cấp nghề” - Thượng tá Nguyễn Quốc Cường cho biết.
Cụ thể, Hạnh nhận tiền hối lộ từ Long để cấp khống 1.567 chứng chỉ; nhận tiền hối lộ từ Cúc để cấp khống 525 chứng chỉ; nhận tiền hối lộ từ Xuyến để cấp khống 361 chứng chỉ; nhận tiền hối lộ từ Hồ để cấp khống 328 chứng chỉ; nhận tiền hối lộ từ Hiền để cấp khống 273 chứng chỉ.
Hiện vụ việc vẫn được Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ để sớm hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố, đưa ra xét xử./.
Lê Đức