“Đúng là có ý kiến cho rằng môn lịch sử ở các trường phổ thông lâu nay vẫn bị xem là ám ảnh với học trò vì lượng kiến thức quá nặng nề” - PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ (nguyên quyền Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP HCM), cho biết.
Không thể nhồi kiến thức
Cô Phạm Thị Hoài Thương, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú - TP HCM), cho rằng chương trình dạy môn lịch sử cần giảm 50% khối lượng kiến thức là hợp lý. Bởi lẽ, lượng kiến thức môn này nhiều quá, giáo viên chạy theo chương trình thôi đã đuối. Muốn giảm tải, cần tinh giản những nội dung không cần thiết, đầu tư và đi sâu vào các chương trình ngoại khóa để học sinh có kiến thức thực tế.
Hiện nay, theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), lớp 10 chỉ có 2 tiết lịch sử/tuần, lớp 11 là 1 tiết/tuần - thời lượng quá ít nhưng khối lượng kiến thức lại quá nhiều. Không những kiến thức nhiều mà việc bố trí thời gian trong từng sự kiện, bài học lịch sử cũng không hợp lý. Chẳng hạn, “Văn hóa truyền thống Ấn Độ” là một bài học về lịch sử quan trọng vì nền văn hóa này có ảnh hưởng rất lớn nhưng lại chỉ có 1 tiết. Nên tăng cường những sự kiện lịch sử hiện đại, những bài học từ thực tế để học sinh tự tìm hiểu, tự học, sau đó đúc kết bài học cho mình nhiều hơn.
Học sinh Trường THCS - THPT Thái Bình (TP HCM) ôn tập môn lịch sửẢnh: Tấn Thạnh
Chương trình lịch sử hiện nay được thiết kế theo kiểu dàn hàng ngang, sự kiện gì cũng muốn đưa vào khiến thầy và trò cùng ngán ngẩm. Vì thế, những sự kiện không cần thiết thì lược đi, chỉ giữ lại những sự kiện có tầm ảnh hưởng. Đồng thời, tăng cường hình ảnh, phim tư liệu, những bài giảng có sự cập nhật thời sự để học sinh đóng vai, diễn lại các nhân vật lịch sử. Như thế các em sẽ nhớ lâu, tạo tinh thần ham học hỏi và tìm hiểu lịch sử. Đối với thi cử, nên tập trung ra những đề để học sinh hiểu và phân tích, sau đó rút ra bài học và cảm nhận hơn là ghi nhớ, thuộc lòng những sự kiện ngày, tháng, năm như thời gian qua.
Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ, nếu lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì cần phải có sự thay đổi một cách đồng bộ. Trong đó, cần thay đổi về quan niệm không đúng lâu nay là coi lịch sử như môn phụ; đồng thời thay đổi cả cách thi, kiểm tra cũng như chương trình, giáo viên.
“Cái chết” được dự báo
Thầy Phan Đông Xuân, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM), nhận định ngay từ lúc Bộ GD-ĐT đưa lịch sử thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã báo hiệu một cái kết buồn cho môn học này.
“Việc khai tử môn lịch sử một cách vội vã của Bộ GD-ĐT khiến những giáo viên như chúng tôi rất buồn. Trong tiến trình phát triển của xã hội, có hôm qua thì mới có hôm nay và lịch sử chịu trách nhiệm ghi lại những sự kiện đó. Thế nhưng, người ta vội vàng chối bỏ lịch sử thay vì tìm ra giải pháp để cải thiện” - thầy Xuân ưu tư.
Theo giáo viên này, trong môn lịch sử, ngay cả lịch sử thế giới, cũng quan trọng vì học lịch sử thế giới để chúng ta biết cách hòa nhập, học hỏi những kinh nghiệm hay từ các nước. Sở dĩ có kết cục buồn hôm nay không phải là lỗi ở giáo viên, càng không phải lỗi ở học sinh. Chương trình lịch sử hiện quá nặng nề, không có sự xuyên suốt, nhiều nội dung trùng lặp, THCS học rồi, lên THPT lại học tiếp khiến giáo viên mệt mỏi, học sinh không còn hứng thú.
Cái kết buồn của môn lịch sử còn có nguyên do sâu xa từ cách nhìn hạn chế của xã hội. Dù yêu thích lịch sử nhưng học sử để làm gì? Chọn nghề, chọn ngành gì từ lịch sử? Chính cái nhìn hạn chế này khiến môn lịch sử ở trong tình trạng có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Trong khi đó, trên thế giới thì ngược lại, họ có cách nhìn trân trọng với lịch sử. Chẳng hạn, muốn nhập tịch, tìm việc làm ở quốc gia nào thì phải hiểu rõ về lịch sử quốc gia đó…
Đặt không đúng tầm Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ, do chức năng, vị trí quan trọng của môn lịch sử trong nhà trường và xã hội nên nhiều nền giáo dục trên thế giới đã đặt môn này là môn bắt buộc ở tất cả các cấp học. Trong khi đó, ở Việt Nam, lẽ ra với bề dày lịch sử, môn lịch sử càng phải được đề cao nhưng ngược lại, nó đang bị đặt không đúng tầm về chức năng, vị trí và đang đứng trước nguy cơ trở thành môn tự chọn. Nhiều năm qua, kết quả môn sử của học sinh ở các kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học có tỉ lệ điểm 0 rất lớn. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, số học sinh chọn môn sử để thi chiếm tỉ lệ thấp nhất trong số các môn tự chọn. |
Tích hợp môn lịch sử: Chưa ổn Đây là nhận xét của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, TS Trịnh Ngọc Thạch, về việc tích hợp môn lịch sử với các môn học khác Bảo Trân thực hiện * Phóng viên: Quan điểm của ông về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến tích hợp môn học lịch sử với môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng ? - Ông Trịnh Ngọc Thạch: Hiện Bộ GD-ĐT chưa trao đổi với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về phương án tích hợp môn lịch sử với các môn khác. Tuy nhiên, theo Nghị quyết về đổi mới sách giáo khoa do Quốc hội ban hành năm 2013, định hướng các lớp từ THCS trở xuống sẽ tích hợp mạnh, các lớp từ THPT trở lên thì phân hóa. Những môn gần nhau thì có thể tích hợp. Chẳng hạn, các môn về tự nhiên, các môn về xã hội (như văn, sử, địa) có thể tích hợp lại. Phương pháp tích hợp ở cấp thấp (THCS) là xu hướng của thế giới, càng lên cao thì càng phân hóa sâu. Tất nhiên, không thể yêu cầu học sinh thuộc làu làu lịch sử, đó là phương pháp dạy cổ điển, mà phải nắm sự kiện theo cách hiểu vấn đề, hiểu sự kiện. Lịch sử là môn học trước nay học sinh vẫn xem nhẹ nên khi tích hợp thì phải xem xét cách giảng dạy lồng ghép với các môn khác như thế nào. Tuy nhiên, nếu tích hợp môn sử với các môn mà không gần với sử thì chính là làm khó cho giáo viên và người học cũng không học. Tích hợp môn sử với môn giáo dục công dân hay quốc phòng an ninh thì không phù hợp lắm. * Vậy có giải pháp nào khác ngoài chuyện tích hợp môn sử để tạo niềm đam mê, ham thích học sử cho học sinh? - Chúng ta có thể tham khảo một số cách của các nước trên thế giới. Dạy sử có nhiều cách chứ không chỉ là giảng dạy đơn thuần như chúng ta hiện nay. Theo tôi, có thể học sinh nước ta không phải không thích học sử mà là cách dạy, người dạy chưa khuyến khích, chưa tạo được sự ham thích với môn sử cho các em. * Với lịch sử, cá nhân ông cho rằng giải pháp nào để dạy, học môn này tốt hơn? - Theo tôi, việc áp dụng nhiều phương pháp khác nhau là rất cần thiết. Thầy dạy sử phải đóng 2 vai, vừa là nhà khoa học lịch sử song đồng thời phải là nhà sư phạm; truyền đạt lịch sử phải bằng phương pháp sư phạm nào đó để học sinh dễ tiếp thu hơn, thích học hơn. Tích hợp môn lịch sử phải căn cứ trên nguyên tắc nghị quyết của Quốc hội. Tích hợp thế nào là việc nghiên cứu của các nhà sư phạm, tích hợp các môn gì với nhau, nhóm môn gì với nhau thì phải gần gũi, dễ liên thông. Nên tích hợp theo nhóm khoa học mà xưa nay chúng ta đã phân định, chẳng hạn nhóm nhân văn (sử, văn), còn xã hội lại khác. Ghép nhân văn với xã hội chưa chắc đã ổn. * Vừa rồi, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án tích hợp như thế nào mà khiến dư luận rất hoang mang? - Theo tôi, chưa nên lo lắng sớm quá mà phải thực hiện theo chủ trương của Bộ GD-ĐT. Bộ phải đứng ở vai trò chỉ đạo, hướng dẫn xã hội chứ không phải để xã hội tùy chọn. Song, Bộ GD-ĐT phải lưu ý rằng việc tích hợp và giảng dạy phải đi đôi với nhau. Phải đưa ra phương pháp giảng dạy đồng thời với việc tích hợp, chứ không thể nào làm riêng rẽ. |
Đặng Trinh/nld.com.vn