Tiếng Việt | English

24/03/2022 - 09:03

Giảm thiểu tác động của Covid-19, tập trung nguồn lực tăng cường phát hiện bệnh lao

Thời gian qua, do vừa phải bảo đảm khám, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên rất nhiều cơ sở y tế trong cả nước bị quá tải kéo dài, trong đó có các cơ sở y tế, các đơn vị chống lao. Đến nay, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Long An nỗ lực thực hiện đạt kế hoạch đề ra, tăng cường phát hiện bệnh lao đưa vào điều trị, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

Khi những bệnh nhân có tổn thương trên X-quang thì sẽ được chỉ định làm xét nghiệm Xpert để tầm soát lao

Khi những bệnh nhân có tổn thương trên X-quang thì sẽ được chỉ định làm xét nghiệm Xpert để tầm soát lao

“Phải phòng, chống lao như phòng, chống Covid-19”

Thời gian qua, nhất là từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát làm gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động Chương trình Chống lao quốc gia. Nhiều cơ sở y tế phải tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân (BN) nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Số lượng người đến khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện giảm mạnh, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, số lượng BN đến khám giảm 50-70% ở nhiều nơi. Việc này một mặt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao. Số lượng BN tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra nên việc phát hiện BN, công tác điều trị, bảo đảm việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ giám sát BN lao tái khám, lãnh thuốc,... không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ.

Tại tỉnh, Bệnh viện Phổi Long An là cơ sở y tế có chức năng khám, phát hiện, điều trị và chỉ đạo tuyến cơ sở trong công tác phòng, chống lao, đây cũng là đầu mối khám, phát hiện bệnh lao, chỉ định phác đồ điều trị, theo dõi, giám sát hoạt động quản lý điều trị BN mắc lao, tuy nhiên, trong năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các hoạt động phòng, chống lao tại đơn vị. Giám đốc Bệnh viện Phổi Long An - Lê Văn Bảy cho biết: “Bệnh viện Phổi Long An được chuyển công năng thành bệnh viện dã chiến từ tháng 6-2021. Do đó, chương trình chống lao năm 2021 chỉ đạt khoảng 50-60%. Cuối năm 2021, bệnh viện xin chủ trương được tái thành lập số giường khám, điều trị nội trú bệnh lao và bệnh phổi. Công tác phòng, chống lao được hoạt động trở lại để phục vụ BN nhằm phát hiện sớm và giảm thiểu nguồn lây trong cộng đồng”.

Tăng cường phát hiện bệnh lao

Covid-19 và lao đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là “kẻ giết người thầm lặng”. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Năm 2022 sẽ chú trọng tầm soát bệnh lao chủ động trong nhóm dân di cư cho các huyện khu vực biên giới của tỉnh và hoạt động triển khai mạnh mẽ “Chiến lược 2X” là “Xquang-Xpert”

Năm 2022 sẽ chú trọng tầm soát bệnh lao chủ động trong nhóm dân di cư cho các huyện khu vực biên giới của tỉnh và hoạt động triển khai mạnh mẽ “Chiến lược 2X” là “Xquang-Xpert”

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Long An - Lê Văn Bảy, sau 1 năm gặp nhiều khó khăn, năm 2022, chương trình phòng, chống lao phải đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh các hoạt động như mọi năm thì năm nay, chương trình tập trung vào việc chủ động phát hiện bệnh lao trong cộng đồng như tầm soát lao ở những nơi dễ có nguồn lây nhiễm bệnh lao, nhất là Trung tâm Bảo trợ xã hội, các trại giam. Ngoài ra, chú trọng tầm soát bệnh lao chủ động trong nhóm dân di cư cho các huyện khu vực biên giới của tỉnh và hoạt động triển khai mạnh mẽ Chiến lược 2X là “Xquang - Xpert” (chụp X-quang ngực và xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lao) cho tất cả huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Khi những BN có tổn thương trên X-quang thì sẽ chỉ định làm xét nghiệm Xpert để tầm soát lao. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong.

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, BN được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số BN lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với BN lao mới, khoảng 70% với BN lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với BN lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng, chống lao năm nay trên toàn cầu là “Invest to end TB. Save lives”. Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới Phòng, chống lao năm 2022 của Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Trước những ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2021, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

BN Trần Văn S. (ấp 5, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) cho biết: “Sau khi phát hiện các triệu chứng bất thường, tôi đến Bệnh viện Phổi Long An khám và được phát hiện bị lao kháng thuốc. Tôi điều trị đến nay là tháng thứ 3. Qua thời gian điều trị, tôi cảm thấy sức khỏe ổn định hơn. Các bác sĩ ở đây rất tận tình tư vấn tôi uống thuốc điều độ, hướng dẫn cách phòng tránh lây lan cho người thân và cộng đồng”.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có vai trò vô cùng quan trọng, giúp người bệnh có thể chữa khỏi bệnh lao và hạn chế nguy cơ lây lan. Do đó, người dân cần chú ý tự theo dõi sức khỏe, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để xét nghiệm, điều trị.

Theo bác sĩ Lữ Văn Quí - Bệnh viện Phổi Long An, khi BN ho, đàm kéo dài trên 2 tuần (có thể là ho đàm, ho khan hoặc ho ra máu) thì đây là triệu chứng quan trọng nhất phải nghĩ đến bệnh lao. Ngoài ra, BN có sốt nhẹ về chiều, ho trộm ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở, sụt cân, ăn kém, mệt mỏi. Khi có các triệu chứng này, BN cần đến bệnh viện phổi để thực hiện xét nghiệm soi đàm, X-quang phổi để phát hiện và điều trị sớm. Hiện tại, BN sẽ được điều trị 6 tháng với lao thường. Ngoài ra, BN cũng được tầm soát lao kháng thuốc, nếu mắc phải lao kháng thuốc thì sẽ được điều trị theo phác đồ từ 9-11 tháng (phác đồ C), 18-20 tháng (phác đồ D). Khi phát hiện và điều trị sớm thì phổi sẽ mau hồi phục, bảo đảm sức khỏe người bệnh./.

Nhằm góp phần vào nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Bộ Y tế ban hành Thông tư 36/2021/TT-BYT, ngày 31/12/2021 về quy định khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) và thanh toán chi phí KBCB bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan đến KBCB lao và Chỉ thị 07/CT-BYT, ngày 15/7/2021 về việc kiện toàn tổ chức KBCB lao, đáp ứng các điều kiện thanh toán chi phí KBCB lao thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Theo đó, UBND tỉnh, Sở Y tế cũng ban hành các văn bản triển khai, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-BYT; đồng thời, duy trì tốt các hoạt động KBCB lao, cung cấp thuốc lao cho người bệnh đúng phác đồ điều trị, bảo đảm quyền lợi được khám và điều trị bệnh theo BHYT cho người mắc lao có BHYT trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế cũng có kế hoạch cụ thể về triển khai kiện toàn tổ chức KBCB lao đáp ứng các điều kiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh lao theo BHYT với mô hình thực hiện cụ thể từ tuyến tỉnh đến huyện, xã; nhân lực; quy trình thực hiện khám, chữa bệnh đối với người bệnh nghi ngờ lao, mắc lao và giám định, thanh toán chi phí KBCB BHYT đối với bệnh lao; việc cung ứng, đấu thầu thuốc;... Việc thanh toán thuốc lao bằng nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại tỉnh Long An sẽ bảo đảm thực hiện từ ngày 01/7/2022 nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh, góp phần thực hiện công tác phòng, chống lao hiệu quả.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết