Giáo dục đạo đức là cả một quá trình tác động có mục đích, có đối tượng của nhà trường đến SV nhằm thực hiện các hoạt động giáo dục về ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức, hành vi đạo đức. Kết quả của giáo dục đạo đức chính là xây dựng nên một chủ thể SV có trí tuệ, có niềm tin, có thói quen đạo đức phù hợp.
Thực trạng công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên ở trường đại học
Có thể khẳng định, việc đánh giá chính xác thực trạng đạo đức trong SV là một việc làm khoa học, đòi hỏi thời gian. Tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, qua các cuộc họp với cán bộ, giảng viên, cán bộ Đoàn, cố vấn học tập, nhận thấy có sự thống nhất chung:
Đa số các em hồn nhiên, chất phác, hiền lành, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô, siêng năng học tập. Tuy nhiên, một bộ phận các em chưa có trách nhiệm với bản thân, gia đình, thiếu sự tự tin, động cơ học tập; thờ ơ, lãnh đạm với tất cả.
Đoàn trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An tổ chức tham quan Bảo tàng tỉnh
Chưa thật sự có hiểu biết sâu sắc về truyền thống dân tộc, Đồng bằng sông Cửu Long, trường mình để từ đó xây dựng lòng tự hào chính đáng về dân tộc, quê hương, xác định nhiệm vụ của mình trong học tập, nghiên cứu khoa học cho hôm nay và ngày mai.
Học để “qua môn” chứ không phải theo hướng nắm vững kiến thức, thiếu sự tìm tòi, thắc mắc những nội dung chưa rõ chiếm 39% SV năm nhất.
Tư tưởng không cần học nhiều, tất cả đã có cha mẹ, thầy cô lo lắng hết. Đây là một vấn đề đáng báo động vì sự dựa dẫm quá mức. Ở góc độ tích cực, con cái có sự gắn kết chặt chẽ với nhà và trường là điều tốt. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ ỷ lại hoàn toàn, giao hẳn việc phát triển bản thân cho người khác với tâm lý “có cha mẹ, có thầy cô” hoặc “muốn lo có được đâu” chiếm 33% SV năm nhất.
Sự cần thiết của việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho sinh viên
Ở độ tuổi SV, nhiều nhận thức và quan niệm về cuộc sống còn khá mơ hồ, đôi lúc bốc đồng, chưa phân biệt được thực tế và thực dụng. Ngoài xã hội, môi trường văn hóa phức tạp, tác động của nền kinh tế thị trường có nhiều bất lợi cho con người, nhất là thế hệ trẻ.
Giáo dục đạo đức góp phần hình thành nên thế giới quan, nhân sinh quan cho SV: Giáo dục đạo đức tạo động lực giúp SV quyết tâm nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và có được suy nghĩ về gia đình, quê hương, hạnh phúc, thành đạt và nhất là xây dựng được lý tưởng sống, tôn trọng, giữ gìn và phát triển các giá trị sống truyền thống tốt đẹp.
Giáo dục đạo đức góp phần xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, cách ứng xử phù hợp với xã hội, với môi trường lao động. Nhà trường cần lưu ý đến những suy nghĩ, hành vi lệch lạc, chưa phù hợp để uốn nắn kịp thời, giúp SV có những tư tưởng đúng đắn.
Đoàn trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An vệ sinh, thắp nhang Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh
Giáo dục đạo đức truyền thống của dân tộc có vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách, là động lực tạo nên sức mạnh tinh thần và ý chí cho thế hệ SV vươn lên trong giai đoạn mới. Khi các giá trị đạo đức truyền thống được kế thừa, phát huy sẽ giúp họ làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của xã hội, trở thành bản lĩnh SV.
Giáo dục đạo đức hình thành cho SV niềm tin, ý nghĩa, mục đích cuộc sống, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình; xây dựng tư tưởng tích cực, vui vẻ, hòa đồng, hợp tác cùng người khác.
Một số nhiệm vụ và giải pháp nâng cao giáo dục đạo đức cho sinh viên
Theo văn hóa phương Đông, tri thức và đạo đức là hai điều cần thiết mà một người thầy nhất định phải có. Đúng vậy, người thầy cần nâng cao tri thức và đặt sự phát triển tri thức trên nền tảng của phẩm chất đạo đức, có những nguyên tắc sống đạo đức căn bản.
Sinh viên tham quan thực tế tại Công ty TNHH Jia Hsin - Khu công nghiệp Cầu Tràm (huyện Cần Đước)
Thầy, cô phải là người có nhân cách đáng kính, nhân từ, gần gũi với các em. Thầy, cô phải quan tâm đến từng SV, khuyến khích tương tác, giảng dạy các em. Thầy, cô cần trau dồi văn hóa ứng xử, phong cách giao tiếp, thực sự vì trò, tránh tư tưởng xơ cứng trong giảng dạy, phải có nhiệt huyết trong từng tiết học, từng hoạt động,...
Gieo nhiều hành vi tốt đẹp, vui thích, nhẹ nhàng
Khái niệm về đạo đức cần được giải thích cho các em bằng nhiều hình thức khác nhau và được lặp đi lặp lại theo định kỳ: “Đạo đức là gì? Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi trong quan hệ của con người với nhau và đối với xã hội” (theo Từ điển Tiếng Việt).
Tăng cường giáo dục truyền thống cho SV
Việc hiểu đúng truyền thống dân tộc, truyền thống Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An giúp SV có lòng tự hào chính đáng, xác định trách nhiệm SV phải giữ gìn và phát triển sức mạnh của dân tộc bằng năng lực và phẩm chất của chính họ.
Cần nêu gương người tốt và việc tốt một cách kịp thời
Trong trường học, bất cứ khi nào cũng có những điển hình tốt. Những việc làm đơn giản như tinh thần hiếu học, giúp đỡ bạn, đức tính thật thà trong đời thường và trong học tập,... cần được biểu dương kịp thời.
Phải kịp thời phê phán các “bệnh tật”: Bệnh “lười biếng”, bệnh “tự cao tự đại”, bệnh “vô tình”
Những biểu hiện tiêu cực trong học tập, sinh hoạt của SV cần được phê bình, nhắc nhở tế nhị. Quan trọng hơn là tạo điều kiện để các em sửa chữa những sai lầm kịp thời, có được sự tự tin, an tâm thực hiện ước mơ.
Tổ chức các hoạt động cho SV
Cần cho SV hiểu biết, thực hành rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt như tính thật thà, ý thức kỷ luật và có các khả năng cần thiết: Khả năng tự nhận thức, khả năng thích ứng nhanh,...
Có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, sinh động nhằm giúp các em vui thích, ứng xử có văn hóa, sống theo pháp luật, phòng, chống các tệ nạn xã hội,...
Giáo dục đạo đức cho SV là một việc làm đòi hỏi cần có sự thống nhất thật sự của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Thầy, cô phải là người hết lòng thương yêu, khơi dậy trong người học sự nghiên cứu học tập, sáng tạo và phải luôn luôn là chỗ dựa tin cậy của trò về ý chí, niềm tin, khát vọng "thành người", là những “hiền tài” có những cống hiến cho cộng đồng./.
Đặng Thị Phương Phi