Giáo viên vất vả
Nói đến giáo dục hòa nhập, đầu tiên phải khẳng định sự khó khăn, vất vả của giáo viên đảm trách lớp. Có em khuyết tật về thể chất, cũng có em khuyết tật về trí tuệ hay tự kỷ,...
Em Trần Hữu Huy Toàn tham gia phát biểu trong tiết học môn Tiếng Anh
Dù là bệnh lý nào thì các em cũng gặp nhiều khó khăn trong học tập. Nhiều trẻ khuyết tật phải học đi học lại nhiều năm học lớp 1 mới có thể lên lớp 2. Do đó, đòi hỏi giáo viên đảm trách lớp có học sinh hòa nhập không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà còn tâm huyết và kiên nhẫn giúp các em tiến bộ.
Trong quá trình giảng dạy, tùy thuộc vào bệnh lý của học sinh mà giáo viên có phương pháp dạy học riêng, phù hợp với từng em. Trong đó, giáo viên luôn quan tâm, theo sát học sinh hòa nhập, đồng thời tạo không khí thoải mái, vui vẻ giúp các em học tập hiệu quả hơn.
Thầy Kiều Đăng Giáp, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, Trường Tiểu học Thanh Vĩnh Đông (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) chia sẻ: "Hiện lớp tôi có 2 học sinh hòa nhập. Trong đó, 1 học sinh không nói được, 1 học sinh khuyết tật về trí tuệ. Đối với từng em, tôi có phương pháp dạy khác nhau.
Tuy nhiên, điểm chung là tôi luôn bên cạnh theo sát quá trình học tập của các em. Không chỉ giảng chậm, nhắc đi nhắc lại nhiều lần nội dung kiến thức mà tôi còn giúp các em phát triển trí tuệ bằng cách đặt câu hỏi gợi mở đơn giản. Ngoài ra, tôi phối hợp phụ huynh giúp các em có chế độ ăn, ngủ hợp lý, bảo đảm về sức khỏe và tâm lý để học tập hiệu quả hơn".
Mặc dù không được đào tạo bài bản về những kỹ năng để dạy trẻ khuyết tật nhưng giáo viên đảm trách các lớp có học sinh khuyết tật luôn chủ động trong việc vừa dạy văn hóa, vừa kết hợp với phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật theo khả năng của mình.
Ngoài ra, các trường có học sinh hòa nhập còn tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để trẻ khuyết tật có nhiều cơ hội hòa nhập, cải thiện về sức khỏe và xóa dần những mặc cảm với bạn bè.
Nỗi lòng của phụ huynh
Lo lắng không biết con mình học tập có được không, có bị bạn bè kỳ thị hay không, có được thầy cô quan tâm không,... đó là những nỗi trăn trở của hầu hết các bậc làm cha mẹ có con là học sinh hòa nhập. Tất cả họ đều mong mỏi con đường tìm đến cái chữ của con mình bớt đi phần nào gian nan.
Nhà trường chung tay với gia đình giúp học sinh khuyết tật được hòa nhập
Em Trần Hữu Huy Toàn, học sinh lớp 4/3, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) mắc chứng bệnh tăng động. Trong lớp học, em liên tục vận động, làm những gì mình muốn và không làm chủ được hành vi dù giờ học hay giờ giải lao.
Chị Nguyễn Thị Thiên Minh - mẹ em Toàn cho biết: "Cũng do căn bệnh này mà việc học của cháu bị ảnh hưởng. Cháu bị dở dang 1 năm học do trường theo học trước đây từ chối dạy cháu. Đến năm học sau đó, tôi cho cháu học tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng. May nhờ ban giám hiệu, giáo viên nhiệt tình và tạo điều kiện giúp cháu rất nhiều trong học tập.
Tuy nhiên, còn một số phụ huynh chưa có sự đồng cảm nên khiếu nại không cho cháu học chung lớp với con em họ. Sau 4 năm theo học, cháu có tiến bộ rất nhiều, không chỉ bệnh thuyên giảm mà còn ngoan và học giỏi, nhất là môn Tiếng Anh".
Không chỉ chị Minh, những phụ huynh có con em là học sinh hòa nhập vẫn đau đáu nỗi lo khi vẫn còn quá nhiều ánh mắt kỳ thị học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, các trường cùng chung tay với gia đình giúp học sinh khuyết tật được hòa nhập và dần hồi phục sức khỏe. Để thực hiện hiệu quả công tác này, cần lắm sự cảm thông, rộng mở của xã hội để trẻ khuyết tật có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.
Giáo dục hòa nhập được tỉnh triển khai thực hiện trong nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh hòa nhập lên lớp hằng năm khoảng 80%. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn. Trong năm học 2016-2017, toàn tỉnh huy động hơn 430 trẻ khuyết tật học hòa nhập tại 209 trường tiểu học, đạt trên 81%. Các em được lập hồ sơ cá nhân, bao gồm khai sinh, học bạ, sổ theo dõi chăm sóc sức khỏe y tế, kế hoạch giáo dục cá nhân, sổ bàn giao hồ sơ học sinh qua từng lớp học, cấp học,.../. |
Ngọc Thạch