Nặng chữ tâm
10 năm qua, cô Bùi Thị Kim Huệ gắn bó với ngôi trường đặc biệt - Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An. Hiểu và đồng cảm những khiếm khuyết của trẻ không may mắn trong vài lần đến trường thăm các em, năm 2003, cô quyết định thi vào ngành giáo dục đặc biệt của Trung tâm Giáo dục trẻ khiếm thính (trực thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM) tại Bình Dương.
Năm 2006, cô về công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An cho đến nay. Thời gian đầu, người giáo viên trẻ với nhiệt huyết và ngọn lửa nghề gặp nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy cũng như tiếp xúc với trẻ khiếm thính, câm điếc, thiểu năng trí tuệ,...
Cô Bùi Thị Kim Huệ cùng các em học sinh lớp khiếm thính Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An
Học sinh được phân lớp theo nhiều dạng tật khác nhau để giáo viên có phương pháp dạy phù hợp. Học cùng một lớp, nhưng có những em nhỏ khoảng 5, 6 tuổi, những em lớn hơn 10, 12 tuổi. Chính vì vậy, khả năng nhận thức, đặc biệt là những rào cản về giao tiếp ngôn ngữ ở những trẻ với các dạng tật khác nhau là những khó khăn đầu tiên mà những giáo viên trẻ khi mới bước vào lớp học “đặc biệt” gặp phải.
Cô Huệ chia sẻ: “Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ có số phận không may mắn thì lại khó gấp bội phần. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tìm tòi những biện pháp, cách thức giúp trẻ nhận thức được. Chính nhờ sự quan tâm, dạy dỗ mà nhiều em có tiến bộ. Đó là niềm vui với nghề mà giáo viên dạy trẻ “đặc biệt” như chúng tôi lấy đó làm động lực hoàn thành trách nhiệm của mình”.
Mẹ hiền của những đứa con “dị biệt”
Theo năm tháng, các thế hệ học trò khiếm thính ra trường. Các em lớn dần, có em học lên ở các trường chuyên biệt tại TP.HCM, một số em được học nghề. Cô nhớ như in những em: Long Hồ, Trúc Linh, Ngọc Vô, Tấn Thành, Túy Vân trưởng thành, được học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Điều đặc biệt là các em được các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng, đó là tín hiệu vui, niềm hạnh phúc lớn lao trong quãng đời làm nghề của cô.
Điển hình là em Tấn Thành (lớp khiếm thính vào học năm 2006), quê ở huyện Châu Thành, được nhận vào làm công nhân tại công ty may giày đóng ở phường 6, TP.Tân An với mức thu nhập khá, đủ để em nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Hay em Ngọc Vô (lớp khiếm thính) học được nghề uốn tóc,... Kỷ niệm mà cô Huệ nhớ nhất, đó chính là em Long Hồ (lớp khiếm thính). Vào ngày 20/11 năm học 2013-2014, cô bất ngờ khi Long Hồ dùng vải trắng thêu hình bông hoa làm thiệp tặng cô. Tuy hình thêu còn vụng về nhưng cô cảm nhận được tấm lòng của cậu học trò dành cho mình.
Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An - Trần Thanh Phong cho biết: "Cô Huệ là đảng viên, giáo viên nòng cốt của trường. Cô luôn nêu cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, tận tụy, yêu nghề, vững về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong quá trình công tác, cô luôn nỗ lực hết mình vì công việc, giúp đỡ đồng nghiệp, có nhiều ý kiến đóng góp cho lãnh đạo trường. Tháng 11/2015, cô Huệ vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật".
Nghề giáo viên dạy trẻ khuyết tật vốn vất vả nhưng với lòng nhiệt thành, tích cực, bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, cùng khóc, cùng vui và sẻ chia với những em có hoàn cảnh thiệt thòi, những người mẹ hiền như cô Huệ và các thầy, cô khác đang lái những chuyến đò “dị biệt” thầm lặng, xứng đáng là tấm gương tận tụy với sự nghiệp trồng người./.
Hồng Phi