Phẩm chất và năng lực người học
Theo dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể, hệ thống các môn học của chương trình Giáo dục phổ thông được chia thành môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Với các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục lối sống, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập,... được phân bố ở từng khối lớp nhằm giúp người học đạt các yêu cầu về phẩm chất và năng lực.
Theo đó, người học cần đạt 6 phẩm chất: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm; 10 biểu hiện năng lực: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ và thể chất.
Đại biểu tham gia đóng góp kiến ý
Ứng với từng cấp học, các yêu cầu về phẩm chất và biểu hiện năng lực khác nhau. Trong đó, phẩm chất yêu đất nước, với cấp tiểu học, người học biết yêu thiên nhiên, yêu quê hương, tự hào về quê hương, kính trọng và biết ơn người lao động, người có công với đất nước.
Tuy nhiên, với cấp THCS, người học phải có ý thức tìm hiểu và tự hào về truyền thống quê hương, có ý thức bảo vệ các di sản văn hóa của quê hương,...
Riêng cấp THPT, người học còn phải tích cực tham gia vận động người khác giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương, đất nước, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc,...
Hay về phẩm chất chăm học, với cấp tiểu học, người học đi học đầy đủ, đúng giờ, thích đọc sách, có ý thức vận dụng kiến thức vào đời sống. Tuy nhiên, với cấp THPT, người học phải có ý thức đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để xây dựng kế hoạch học tập, có ý chí vượt qua khó khăn để đạt kết quả tốt trong học tập,...
Còn với biểu hiện năng lực người học; trong đó, năng lực tự chủ và tự học, với cấp tiểu học yêu cầu người học tự làm việc của mình, nhận biết và bày tỏ, chia sẻ tình cảm, cảm xúc của bản thân với người khác, biết tổng kết những điều được học, hỏi thầy cô, bạn bè để mở rộng hiểu biết,...
Với cấp THPT, người học biết điều chỉnh tình cảm, hành vi của bản thân, luôn bình tĩnh và có cách ứng xử đúng, xác định được nhiệm vụ học tập dựa trên kết quả đã đạt, đặt mục tiêu học tập cụ thể, khắc phục những hạn chế,...
Thông qua các yêu cầu về phẩm chất và biểu hiện năng lực, người học được phát triển toàn diện, chủ động, sáng tạo và biết vận dụng kiến thức được học vào thực tế. Ngoài ra, người học cũng tự tin phát huy sở trường trong quá trình học tập, thuận lợi trong việc hướng nghề nghiệp.
Giáo viên cần được bồi dưỡng và đào tạo lại
Các đại biểu cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, chương trình cũng còn nhiều hạn chế. Trong đó, đội ngũ giáo viên (GV) hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình dự thảo. Đặc biệt, ở các môn học tích hợp, môn học mới, môn học năng khiếu, GV không đủ trình độ, năng lực đảm trách. Một số môn chưa có GV.
Theo dự thảo, hướng tới, học sinh cần đạt 6 phẩm chất và 10 biểu hiện năng lực trong quá trình học tập
Nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Long An - Châu Minh Hiền nhận định: "Chương trình được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, thể hiện rõ ở các môn học, đặc biệt là có nhiều môn học mang tính hiện đại. Chương trình đặt ra mục tiêu rõ về yêu cầu cần đạt của người học về phẩm chất và năng lực. Tuy nhiên, thành công hay không còn phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ GV. Hiện nay, GV chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình dự thảo. Tôi đề nghị, GV cần được đào tạo lại. Ngoài ra, chuyên đề học tập nên thêm chuyên đề nghiên cứu khoa học nhằm giúp người học phát huy sự sáng tạo và chủ động trong học tập".
Các đại biểu khác cũng thống nhất trong việc bồi dưỡng và đào tạo lại GV ở các môn học, đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình mới. Theo đó, kế hoạch đào tạo phải có lộ trình và có sự vào cuộc của các trường sư phạm.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT cần đề ra các giải pháp, điều kiện cụ thể hơn nữa để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể; nên xem xét về việc lấy ý kiến Quốc hội để ban hành nghị quyết, từ đó có sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình./.
Ngọc Sương