Tiếng Việt | English

09/05/2017 - 17:44

Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể hướng đến Giáo dục cơ bản và định hướng nghề nghiệp

Ngày 09/5, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam tỉnh Long An - Tôn Thọ Nuôi chủ trì hội nghị góp ý dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) - Chương trình tổng thể.

Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam - Ngô Hải Phong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tỉnh Long An - Võ Lê Tuấn cùng đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các nhà giáo nghỉ hưu đến dự.


Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam - Ngô Hải Phong tham gia đóng góp ý kiến

Theo dự thảo Chương trình GDPT - Chương trình tổng thể, hệ thống các môn học của chương trình GDPT được chia thành: Môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Trong 1 năm học, thời gian học các môn học của chương trình phổ thông tương đương 37 tuần gồm: 35 tuần thực học dành cho các môn bắt buộc, môn bắt buộc có phân hóa và môn tự chọn bắt buộc; 2 tuần thực học dành cho các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.

Chương trình GDPT - Chương trình tổng thể được chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản ở cấp tiểu học, THCS và Giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.

Theo kế hoạch giáo dục, cấp tiểu học có 8 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu công nghệ), 5 môn bắt buộc có phân hóa (Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), 1 môn tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số); cấp THCS có 6 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý), 5 môn bắt buộc có phân hóa (Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ Thuật, Hoạt động trải nghiệp sáng tạo), 2 môn tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).

Riêng THPT, lớp 10 có 11 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Ngoại ngữ 1 và Giáo dục quốc phòng và an ninh), 4 môn bắt buộc có phân hóa (Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động Nghệ thuật và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), 2 môn tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2); lớp 11 và 12 có 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục quốc phòng và an ninh), 2 môn bắt buộc có phân hóa (Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệp sáng tạo), 2 môn tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2), 12 môn tự chọn bắt buộc (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ Thuật, Âm nhạc và Chuyên đề học tập), học sinh tự chọn tối thiểu 3 môn học và 1 chuyên đề học tập.

Tại hội nghị, đa số đại biểu đồng tình với dự thảo Chương trình GDPT- Giáo dục tổng thể, đáp ứng việc dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp cho người học, xây dựng theo hướng mở, hướng đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học. Chương trình cũng có kế thừa, phát triển, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, ngành GD&ĐT chưa đủ điều kiện để thực hiện, đội ngũ giáo viên còn nhiều khó khăn, đặc biệt các giáo viên thuộc các môn năng khiếu. Do đó, đại biểu đề nghị, ngành GD&ĐT cần đề ra các giải pháp, điều kiện cụ thể hơn nữa để thực hiện Chương trình GDPT- Chương trình tổng thể; sự vào cuộc của các trường sư phạm; đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng, đào tạo lại, đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình mới.

Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam tỉnh Long An - Tôn Thọ Nuôi ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Sau đó, Hội sẽ tổng hợp các ý kiến và báo cáo với Hội Cựu Giáo chức Việt Nam để trình ý kiến với Bộ GD&ĐT./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết