Giữ gìn phong tục tiễn ông Táo ngày 23 tháng Chạp với những nét đẹp truyền thống
Theo phong tục Tết Cổ truyền của dân tộc ta, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, nhà nhà đều tất bật sửa soạn mâm cơm cúng tiễn Táo Quân chầu trời. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tục cúng ông Táo tuy có nhiều thay đổi, đơn giản hơn so với thời gian trước nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống vô cùng ý nghĩa.
Ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, bà Nguyễn Thị Anh đã bày biện mâm cúng tươm tất để tiễn Táo Quân chầu trời
Theo quan niệm dân gian, Táo Quân (hay còn gọi là Ông Công, Ông Táo) là vị thần cai quản việc bếp núc, củi lửa, gồm bộ ba 1 bà Táo và 2 ông Táo. Trang thờ ông Táo được đặt trang trọng tại khu vực nhà bếp. Từ bao đời nay, người dân vẫn giữ mỹ tục cúng đưa ông Táo về trời chầu Ngọc Hoàng Thượng đế để báo cáo những việc đã xảy ra trong năm qua, từ đó định công tội, thưởng phạt phân minh. Ông Táo có thể được xem là vị thần định đoạt cát hung, phù hộ cho gia đạo. Do đó, dù bận rộn đến mấy, ngày 23 tháng Chạp, ai ai cũng phải sửa soạn một mâm lễ tươm tất tiễn ông Táo chầu trời.
Đồ lễ cúng ông Táo được chuẩn bị sẵn để bán cho khách hàng
Bà Nguyễn Thị Anh (70 tuổi, ngụ khu phố 3, phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, thấy ông bà, cha mẹ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp thì tôi học hỏi, làm theo. Sau này lớn lên, có gia đình riêng, tôi duy trì phong tục này và cứ thế truyền dạy cho con cháu. Vào ngày này, tôi sẽ dậy sớm, bày biện hoa quả, bánh mứt, nước ngọt,… rồi cúng tiễn ông Táo, cầu nguyện một năm mới an lành, sung túc, gia đạo bình an”.
Xôi, chè, trái cây,... cũng rất "hút hàng" vào ngày cúng tiễn ông Táo
Ngay từ sáng sớm, tại các chợ, người dân đã tranh thủ đi mua hoa quả, chè, bánh mứt,… cùng các loại nhang đèn, vàng mã để cúng ông Táo. Đặc biệt, các loại giấy tiền vàng bạc được bày bán với các mẫu mã đa dạng như quần áo, mũ ông Táo, cá chép giấy,… Ngoài ra, nhiều gia đình còn mua cá chép vàng để đưa ông Táo, sau khi cúng xong thì đem ra sông phóng sanh.
Ngoài ra, nhiều gia đình còn mua cá chép vàng để đưa ông Táo, sau khi cúng xong thì phóng sanh
Chị Nguyễn Trang Như Mai – tiểu thương tại chợ phường 2, TP.Tân An cho biết: “Năm nay, giá cả các mặt hàng đồ cúng, xôi, chè, hoa cũng ổn định so với mọi năm. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên tôi nhận thấy các khách hàng thường tiết kiệm hơn, chỉ mua những thứ cần thiết, vừa đủ dùng, miễn là mâm cúng vẫn bảo đảm lòng thành kính và tươm tất”.
23 tháng Chạp là ngày đặc biệt ý nghĩa vì chỉ sau đó đúng 1 tuần là đến Tết Nguyên đán. Đến nay, cúng tiễn Táo Quân đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây không chỉ là một tín ngưỡng dân gian tốt đẹp mà còn thể hiện khát vọng, ước mong mái ấm luôn đỏ lửa, gia đình đầm ấm, sum vầy./.
Phạm Ngân
- Văn hóa công sở: Đâu là biểu hiện của một công ty ‘red flag'? (23/11)
- Một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước (22/11)
- Thời tiết hôm nay 22/11: Miền Trung mưa to, miền Bắc lạnh, miền Nam ngày nắng (22/11)
- Đời đan đát (22/11)
- Xổ số kiến thiết Long An tặng 10 căn nhà Đại đoàn kết tại huyện Cần Giuộc (21/11)
- Huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn (21/11)
- Xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất (21/11)
- Lan tỏa các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội (21/11)