Tại TP.Tân An hiện có rất nhiều công trình kiến trúc xưa thuộc sở hữu Nhà nước hoặc người dân (căn nhà đang được trưng dụng làm khối nhà làm việc của đoàn thể TP.Tân An nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8) (Ảnh: Tôn Thất Hùng)
Phát huy giá trị di tích
Hiện trên địa bàn tỉnh có 125 di tích lịch sử (DTLS) - văn hóa, trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia và 104 di tích cấp tỉnh bao gồm các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật. Các công trình này hiện được quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị theo Luật Di sản văn hóa.
Theo khoản 1, Điều 13 Luật Kiến trúc năm 2019, các công trình kiến trúc có giá trị không thuộc quy định nói trên sẽ được UBND tỉnh rà soát, đánh giá hàng năm, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý.
Tại khoản 5, Điều 3 Luật Kiến trúc năm 2019, kiến trúc có giá trị được hiểu là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DTLS trên địa bàn tỉnh được chú trọng và từng bước kết hợp phát triển du lịch, trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử của nhiều du khách, học sinh từ nhiều nơi.
Tại huyện Châu Thành, Cụm nhà cổ Thanh Phú Long là DTLS loại hình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng hơn 100 năm, đang được gìn giữ. Nơi này hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BVHTT vào năm 2007.
Di tích Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn cũng được gìn giữ, tôn tạo, được Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định công nhận DTLS văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 02/2004/QĐ-BVHTT, ngày 19/01/2004. Đây là một tổng thể kiến trúc gồm 2 điểm: Ngôi nhà của ông Võ Công Tồn và Lò gạch thuộc sở hữu của ông. Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn tọa lạc ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức.
Gìn giữ những kiến trúc có giá trị
Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Kiến trúc sư (KTS) Long An (1988-2023), Sở Xây dựng và Hội KTS Long An tổ chức Hội thảo "Long An phát triển đô thị - thực trạng và giải pháp". KTS Đặng Thị Thúy Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS Long An, đã có bài tham luận với chủ đề Vai trò công trình kiến trúc có giá trị trong phát triển đô thị Long An.
Theo KTS Đặng Thị Thúy Hà, các công trình kiến trúc có giá trị cần được quan tâm hiện nay là: Các công trình ngoài danh sách các di tích đã được công nhận; không chỉ là các công trình kiến trúc thời kỳ phong kiến hay Pháp thuộc mà phải bao gồm các công trình có hình thức tiêu biểu, đặc trưng cả về đường nét, hình khối, công năng, vật liệu,... trong các thời kỳ phát triển của đô thị đó và cả các công trình đoạt những giải thưởng kiến trúc quốc gia và quốc tế.
Theo đó, việc bảo tồn, phát huy các công trình kiến trúc có giá trị, không chỉ quan tâm việc quy định về quản lý, bảo vệ công trình để tránh việc cải tạo, mở rộng làm ảnh hưởng đến giá trị kiến trúc mà còn phải quan tâm xác định khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù cho công trình đó như KTS Ngô Viết Nam Sơn (hậu duệ của KTS Ngô Viết Thụ - người thiết kế Dinh Độc Lập) từng chia sẻ: “Càng đô thị hóa mạnh mẽ, càng cần phải xác định việc bảo tồn di sản là mục tiêu quan trọng của phát triển bền vững”.
Căn nhà xưa của một người dân trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP.Tân An) (Ảnh: Tôn Thất Hùng)
TP.Tân An hiện có rất nhiều công trình kiến trúc xưa. Theo KTS Đặng Thị Thúy Hà, trong quá trình phát triển, các công trình kiến trúc xưa có thể bị xâm lấn, phá vỡ hay mất đi vì nhiều lý do. Vì thế, các cơ quan chức năng cần chủ động kiểm kê, đánh giá, phân loại và có phương án bảo vệ.
Bởi mỗi vùng, miền, mỗi công trình đều có một dáng nét kiến trúc riêng, độc đáo, là tài sản lịch sử - văn hóa, là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng sáng tạo của thế hệ cha ông trong tiến trình phát triển.
Các công trình kiến trúc này trở thành “hồn cốt” của đô thị, của vùng đất, xen lẫn những công trình kiến trúc mới. Nếu không bảo vệ, rất có thể chẳng bao lâu nữa, các kiến trúc có giá trị này sẽ dần biến mất, nhất là những công trình thuộc sở hữu của người dân.
Bảo tồn kiến trúc làng Khánh Hậu xưa
Chùa Diêu Quan còn gọi là chùa Cây Trôm (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) đang được bảo tồn (Ảnh Internet)
Năm 2009, Hội KTS Long An có đề tài Đề xuất quản lý và phát triển kiến trúc làng Khánh Hậu, TP.Tân An. Kiến trúc làng Khánh Hậu có từ cuối thế kỷ XVII, hình thành thôn làng đầu tiên của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kiến trúc cổ này có 5 công trình (chùa Cây Trôm (Diêu Quan), chùa Ông, đình Tường Khánh, đình Nhơn Hậu, lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức) và 1 DTLS với 3 hạng mục (cổng lăng 1, 2; đền thờ và lăng mộ). Ngoài ra, ở làng này, khi Hội KTS Long An khảo sát, ghi nhận số nhà ở trệt có sân vườn là 752 căn (chiếm 31%), nhà ở gắn liền ruộng vườn 1.058 căn (chiếm 43%), nhà phố 593 căn (chiếm 24%) và đặc biệt có 4 căn nhà cổ được xây dựng khoảng 200 năm, 16 căn được xây dựng khoảng 100 năm.
Đặc trưng ngôi làng này xuất hiện sớm ở Nam bộ; nhiều cụm nhà ở theo họ tộc, nhiều thế hệ; có nhiều lễ hội đặc sắc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kiến trúc, cảnh quan, số căn nhà cổ nơi này có sự thay đổi, phá vỡ một số chi tiết vì xuống cấp mà chưa được bảo tồn, tôn tạo.
Đề xuất của Hội KTS Long An, khu vực làng Khánh Hậu cần được xác định là khu vực nông nghiệp (như các khu phố: Quyết Thắng, Thủ Tửu, Nhơn Cầu, Nhơn Hậu), có thể xem như vùng nông nghiệp ven đô.
Theo định hướng kiến trúc nhà ở, hạn chế nhà ống, nhà nhiều tầng, nhất là khu vực gần các di tích; bảo tồn, trùng tu một số kiến trúc có giá trị; có quy hoạch chi tiết cụ thể cho khu vực; kiểm soát các kiến trúc ở khu vực cổng lăng; không xây dựng các kho lúa, gạo gần trục chính của làng.
Việc các ngôi nhà cổ chưa được bảo tồn, tôn tạo hoặc bị phá vỡ là điều đáng tiếc, bởi đây là minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của vùng đất phía Nam. Các ngôi nhà này hình thành thể hiện sự chăm chỉ làm lụng, tích cóp của người dân để xây dựng nên căn nhà khang trang, mang đậm yếu tố nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân gian, có nhiều giá trị văn hóa - lịch sử quý báu, là linh hồn của làng xã lúc bấy giờ.
Theo ghi nhận của Hội KTS Long An tại làng Khánh Hậu, hầu hết các ngôi nhà cổ đều được dựng nên từ nhiều loại gỗ quý và có lối kiến trúc tinh xảo. Đây là minh chứng tài sản mà cha ông lam lũ, nhọc nhằn gây dựng, truyền lại cho con cháu.
Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà cổ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi đó là sự hiện diện sống động của cả một giai đoạn lịch sử và cũng là biểu tượng đẹp của văn hóa làng xã, sự tài hoa trong bàn tay, khối óc của thế hệ đi trước. Nếu được bảo tồn đúng cách và kịp thời, các công trình này vẫn có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội ngày nay.
Trong tương lai, Long An sẽ trở thành đô thị hiện đại, văn minh. Nếu các công trình kiến trúc có giá trị được bảo tồn kết nối với các công trình kiến trúc hiện đại sẽ là tài sản vô giá, mang đến giá trị về lịch sử, văn hóa, giúp người trẻ có thể tìm hiểu rõ hơn về tinh hoa của văn hóa cổ truyền làng xã - cội nguồn văn hóa dân tộc./.
Mai Hương