Tiếng Việt | English

08/07/2022 - 09:45

'Đánh thức' những công trình cũ

Một số công trình kiến trúc cũ tại trung tâm Hà Nội đã hoặc đang được trùng tu, phát triển thành những điểm đến du lịch, không gian văn hóa, nghệ thuật.

Bài toán bảo tồn và phát triển

Dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm vừa được khởi công vào cuối tháng 4. Theo dự kiến, chưa đầy 1 năm nữa ngôi biệt thự có kiến trúc Pháp cũ này sẽ trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp, không chỉ là nơi mọi người có thể tìm những thông tin về quá trình hình thành khu phố Pháp, những ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt về mặt kiến trúc, đô thị, lối sống trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, mà còn là điểm đến du lịch mới của Hà Nội.

Cầu Long Biên cần được trùng tu với tầm nhìn lâu dài

NGỌC THẮNG

Cách đó vài cây số, nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội, di tích Hội quán Quảng Đông (số 22 Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm) được hình thành từ hàng trăm năm trước, đã được tu bổ, tôn tạo từ cuối năm 2018 và vừa hoàn thiện vào cuối năm 2021, trở thành trung tâm triển lãm nghệ thuật. Hội quán này được phục dựng lại kiến trúc từ cách đây hơn 100 năm, cho thấy sự tiếp xúc giữa 3 văn hóa Việt - Hoa - Pháp. “Trong thời gian gần đây, nhiều di sản (là những công trình kiến trúc cũ) đã được đánh thức, phát huy cũng như khai thác giá trị văn hóa, lịch sử để đưa lại những giá trị khác về kinh tế, du lịch”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhìn nhận.

Ông Sơn là người tham gia tư vấn thiết kế tour du lịch, nghệ thuật với hành trình đưa du khách từ trung tâm văn hóa nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông) đi qua cây cầu đi bộ ở phố Trần Nhật Duật, tới không gian nghệ thuật Phúc Tân… Trong hành trình này, du khách vừa được ngắm nhìn cảnh quan, vừa được trải nghiệm di sản, thưởng thức biểu diễn nghệ thuật.

TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng việc bảo tồn song song với phát triển kinh tế đã được bàn nhiều trên thế giới. “Họ có nhiều phương án khác nhau. Có những nơi bảo tồn xong để đấy để trở thành không gian tĩnh, có nơi lại biến thành không gian động, có nơi chỉ bảo tồn không gian vật thể, còn nội dung bên trong cho phép thay đổi, chẳng hạn ở Singapore có những ngôi nhà cổ của người Trung Quốc được cho bán hàng hoặc làm hàng ăn”, ông Nghiêm nói và cho biết VN đã có chủ trương khai thác hiệu quả kinh tế đô thị trong không gian công cộng, không gian bảo tồn.

Cầu Long Biên gắn liền với Hà Nội như một biểu tượng

NGỌC THẮNG

“Chúng ta bảo tồn nhưng vẫn chú ý phát triển kinh tế đô thị, bởi điều đó không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tạo nên sự bảo tồn bền vững”, ông Nghiêm bày tỏ. “Chẳng hạn, với biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, cần huy động nhân dân đóng góp, trở thành không gian công cộng thì mới hấp dẫn mọi người, như thế mới phát huy được ý nghĩa của bảo tồn”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhìn nhận: “Cần phát triển hài hòa giữa cái cũ và cái mới, vừa phát triển đô thị vừa chỉnh trang đô thị, vừa tạo động lực cho kinh tế đô thị”.

Cần tầm nhìn dài hơi

Mặc dù một số công trình kiến trúc cũ có nhiều giá trị đã được quan tâm tu bổ, trùng tu, nhưng cầu Long Biên - công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, mang những giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội, lại vẫn chưa được “đụng” tới, trong khi cây cầu này đang ngày càng xuống cấp.

Dự án bảo tồn, sửa chữa nhà biệt thự ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài

NGỌC AN

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhìn nhận việc trùng tu cầu Long Biên (với sự tư vấn của chuyên gia, kiến trúc sư Pháp) là cần thiết. Theo quan điểm của ông, việc trùng tu cần đưa cầu Long Biên trở lại kiến trúc ban đầu, đồng thời phục vụ việc đi lại của người dân trong thành phố, trở thành điểm đến du lịch. “Việc đưa cầu Long Biên trở thành cây cầu nội đô sẽ giúp việc trùng tu dễ dàng hơn và tuổi thọ sử dụng cầu có thể kéo dài trong nhiều thế kỷ nữa”, ông Sơn lý giải.

Cầu Long Biên được xây dựng cách đây hơn 100 năm, với thiết kế ban đầu không phải để chịu trọng tải lớn (gấp nhiều lần) như bây giờ.

Cũng theo ông Sơn, cầu Long Biên chưa là di tích được xếp hạng nhưng phải coi đây như một di sản vật thể để bảo tồn và phát triển. Từ nhìn nhận như vậy sẽ thấy cần thiết có đề án trùng tu cầu Long Biên bài bản với tầm nhìn lâu dài, thay cho việc chỉ sửa chữa cầu theo kiểu chắp vá như vừa qua. Ông dẫn ví dụ đề án Hội quán Quảng Đông được thực hiện trong nhiều năm liền, tốn công và tốn kinh phí, và cho rằng: “Cầu Long Biên gắn liền với Hà Nội như một biểu tượng, cần được nhìn nhận xứng đáng với giá trị của nó./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích