Tiếng Việt | English

17/12/2024 - 18:03

Giữ nếp nhà qua cách ứng xử văn hóa

Xã hội ngày càng phát triển, người ta càng chú trọng nhiều đến giao tiếp ngoài xã hội mà quên rằng trong gia đình cũng cần ứng xử với nhau một cách có văn hóa.

Ảnh minh họa

Những quan hệ trong gia đình rất gần gũi, gắn bó. Tuy nhiên, không phải ai cũng để ý tới cách giao tiếp trong các mối quan hệ gần gũi này. Vì thế, mặc dù cùng ăn, cùng ở nhưng nhiều gia đình không thật sự gắn bó, không thể chia sẻ cùng nhau, nhất là trong thời bận rộn với công việc và các mối quan hệ xã hội khác. Càng ngày, các thành viên gia đình càng có xu hướng ít dành thời gian cho nhau hơn trước. Những cuộc trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình cũng chỉ thoáng qua. 

Vợ chồng bạn tôi sau khi cưới nhau vài năm thì về ở cùng cha mẹ. Vợ chồng đều là công nhân, thường xuyên tăng ca nên ít có thời gian trò chuyện cùng cha mẹ. Bữa cơm gia đình phải chia thành 2 lần ăn, vợ chồng anh thường xuyên về muộn nên cha mẹ anh ăn trước và để phần các con về ăn sau. Cứ thế nên cả tuần, số lần cả nhà trò chuyện, chia sẻ cùng nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có lần, tôi chứng kiến cô bé 13 tuổi, dù học rất giỏi nhưng ứng xử trong gia đình rất kém. Trong một lần tôi đến chơi nhà và dùng cơm, khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn thì cô bé mới từ phòng riêng đi xuống. Sau khi chào hỏi mọi người qua loa, cô bé vào bàn, ngồi cạnh mẹ. Bữa cơm với nhiều món đặc sản mà mẹ cháu mất cả buổi chiều để chuẩn bị nhưng cháu chỉ buông một câu “không có gì để ăn cả”. Cháu cũng không có thói quen mời người lớn trước khi ăn. Khi ăn thì dùng đũa xới cả đĩa thức ăn để tìm miếng mình thích; vừa ăn, vừa xem tivi, miệng nhai nhồm nhoàm, không để ý tới mọi người xung quanh. Nếu như thời trước, người xưa rất coi trọng việc giáo dục nghi lễ, cách ứng xử của trẻ con với người lớn thì bây giờ nhiều gia đình lại xem nhẹ.

Qua 2 câu chuyện trên cho thấy cuộc sống hiện đại phần nào làm cho văn hóa ứng xử trong gia đình ít nhiều thay đổi. Cuộc sống bận rộn, mọi người mải mê với việc riêng mà ít dành thời gian chăm chút cho gia đình mình. Để con cái hiểu nền nếp gia phong và có thái độ ứng xử đúng đắn với các thành viên trong gia đình, trước hết, cha mẹ, người lớn phải làm gương, chuẩn mực trong ứng xử với mọi người và dành nhiều thời gian cho các con. Môi trường gia đình ảnh hưởng việc hình thành tính cách mai sau của trẻ. Vì thế, người lớn càng cần phải gương mẫu để con trẻ học theo những đức tính tốt./.

Nguyễn Thị Hải

Chia sẻ bài viết