1. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An thực hiện nhiều mô hình giúp HV phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững: Đồng vốn nghĩa tình, tổ may gia công, hũ gạo tình thương, góp vốn xoay vòng, bếp ít khói cho người nghèo,…
Nhiều hội viên phụ nữ tại thị xã Kiến Tường sử dụng nguồn vốn từ mô hình đồng vốn nghĩa tình vươn lên, thoát nghèo bền vững
Trong đó, mô hình Đồng vốn nghĩa tình thật sự len lỏi vào cuộc sống của chị em. Nhờ nguồn vốn này, kinh tế gia đình của HV ngày càng ổn định, phát triển. Mô hình được Hội LHPN Việt Nam xã Bình Tân phát động thực hiện vào năm 2013, đến nay, nhân rộng ra toàn địa bàn thị xã Kiến Tường. Hàng tháng, các HV tham gia đóng góp tiền vào quỹ, sau đó, hội xem xét hoàn cảnh thực tế của HV (ưu tiên những HV nghèo, khó khăn vay trước) để cho vay, phát triển kinh tế.
“Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội LHPN xã xem xét cho tôi ưu tiên vay vốn trước. Tôi dùng số tiền vay để chăn nuôi bò. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, sau 2 năm gia đình tôi thoát nghèo, trả hết các khoản nợ và xây lại căn nhà kiên cố. Hiện gia đình tôi còn mấy con bò làm vốn. Tôi thật sự cảm ơn chị em trong hội vì đã quan tâm, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với gia đình tôi” - chị Trần Thị Hằng, ngụ ấp Cái Đôi, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thị Vẹn, tuy số tiền góp hàng tháng không nhiều nhưng mô hình Đồng vốn nghĩa tình phát huy được hiệu quả. Các HV sử dụng đồng vốn đúng mục đích nên giúp kinh tế gia đình phát triển, một số hộ thoát nghèo bền vững. Mô hình cho HV vay vốn với lãi suất thấp, trả trong khoảng thời gian dài nên thuận lợi, tiền lãi thu về dùng để thăm hỏi chị em đau ốm, bệnh tật và tặng quà những gia đình nghèo, khó khăn dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, mô hình còn nâng cao ý thức của HV trong việc tiết kiệm, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hội sẽ duy trì mô hình này và cố gắng xây dựng thêm nhiều mô hình mới, phù hợp thực tế để giúp chị em vươn lên trong cuộc sống.
2. Tại huyện Đức Hòa, nhiều HV phụ nữ cũng được hỗ trợ bằng những mô hình hay, thiết thực, hiệu quả: Góp vốn xoay vòng, tổ liên kết sản xuất, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi,…
Trong đó, Tổ Liên kết trồng thanh long ruột đỏ ở ấp 3B, xã Hựu Thạnh là một minh chứng. Tổ liên kết được thành lập vào năm 2017, lúc đầu, tổ chỉ có 9 thành viên, nay phát triển lên 17 thành viên với diện tích khoảng 25ha.
Tổ liên kết trồng thanh long ruột đỏ ấp 3B, xã Hựu Thạnh giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống
Tổ trưởng Tổ Liên kết trồng thanh long ruột đỏ ấp 3B - Lê Thị Cả chia sẻ, trước đây, cuộc sống gia đình bà rất khó khăn. Với 0,4 ha đất, vợ chồng bà cứ loay hoay trồng mía, trồng chanh,... nhưng đất ở đây bị nhiễm mặn nên năng suất cây trồng không cao, do đó thường xuyên thua lỗ, cái nghèo luôn đeo đẳng. Cách đây khoảng 5 năm, trong một lần tình cờ, vợ chồng bà biết đến cây thanh long ruột đỏ và hiệu quả mang lại từ giống cây trồng này. Hai người cùng nhau bàn bạc, gom góp tiền tiết kiệm và vay mượn những người thân quen, trồng thử nghiệm 0,4ha. Trong lúc gia đình chuẩn bị trồng thanh long, chồng bà không may qua đời. Trách nhiệm gia đình lại “đè nặng” lên đôi vai của bà. Bà dặn lòng không được ngã quỵ, hàng ngày siêng năng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật từ những người quen biết, tích cực cải tạo đất để trồng thanh long ruột đỏ. Thanh long cho trái, vụ đầu tiên bà mừng khôn xiết. Những vụ sau đó, năng suất tăng lên gấp nhiều lần. Sản xuất có lãi, số tiền tích lũy, bà mua và mướn thêm đất để trồng thanh long. Sau 5 năm dành dụm, hiện bà có gần 3ha đất. Nhờ trồng thanh long, cuộc sống gia đình bà khấm khá hẳn lên. Căn nhà tạm trước đây được xây mới bằng ngôi nhà tường khang trang, thoáng mát.
Bà Cả nói: “Tôi nay lớn tuổi nhưng nghĩ đến cuộc sống nghèo khó trước đây nên vẫn hăng say lao động. Nhờ đồng vốn nghĩa tình của nhà nước, tôi có điều kiện mở rộng sản xuất, cuộc sống mới được như ngày nay”.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Hựu Thạnh - Hứa Huỳnh Lê thông tin, nhận thấy hiệu quả từ loại cây trồng này, Hội thành lập tổ liên kết. Tham gia vào tổ, mỗi thành viên được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Các thành viên trong tổ có sự liên kết, tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật trồng. Từ đó, năng suất thanh long tăng lên, giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương, góp phần trong công tác giảm nghèo.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh có nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả, thiết thực, sử dụng nguồn vốn ủy thác hợp lý, đúng đắn, giúp HV phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề cho HV. Từ đó, nhiều HV vươn lên, thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì các mô hình hiệu quả, xây dựng thêm mô hình mới để tạo điều kiện cho HV có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống./.
Thanh Mỹ