Mũi nhọn đào tạo nghề
Năm 2001, Trường Trung cấp Nghề ĐTM được thành lập và chính thức hoạt động từ cuối năm 2003. Mục đích thành lập trường là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐTM. Khi mới thành lập, trường chỉ đào tạo sơ cấp nghề may.
Từ năm 2004 đến nay, trường liên tục mở rộng đào tạo các nghề: Công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại, hàn, cơ điện nông thôn, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, thú y, bảo vệ thực vật, kế toán doanh nghiệp, công tác xã hội và nhiều nghề sơ cấp như sửa chữa xe gắn máy, hàn, tiện, kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, thú y, may công nghiệp,…
Hiện nay, Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười gặp nhiều khó khăn trong việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS sang học nghề
Năm 2019, Trường Trung cấp Nghề ĐTM sáp nhập thành Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở ĐTM. Lợi thế khi người học đăng ký học nghề tại đây là gần nhà, chi phí sinh hoạt thấp, dễ tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với trên 90% HS, sinh viên ra trường có việc làm, thu nhập ổn định.
Em Đỗ Hoàng Lâm (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Hiện em học năm thứ hai, nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí trình độ trung cấp. Khi đăng ký học nghề, em cũng băn khoăn nhưng thấy trước đây, địa phương cũng có nhiều anh chị học nghề, ra trường có việc làm ổn định, trường lại gần nhà, chi phí sinh hoạt thấp, phù hợp kinh tế gia đình nên em mạnh dạn học nghề. Tốt nghiệp THCS và đăng ký học nghề, em được miễn học phí. Dự kiến sau khi tốt nghiệp, em xin việc tại một doanh nghiệp ở địa phương hoặc tự mở cơ sở sửa chữa điện lạnh”.
Còn nhiều khó khăn
Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc học nghề như em Lâm bởi hiện nay, xã hội vẫn còn quan điểm “trọng thầy hơn thợ”. Trong khi thực tế chứng minh, HS, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa chắc có được việc làm phù hợp, ổn định với ngành nghề đã học. Còn HS, sinh viên tốt nghiệp trường nghề đa số có việc làm, thu nhập ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí còn được doanh nghiệp “trải thảm đỏ” mời về làm việc.
Em Nguyễn Ngọc Trang (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) cho biết: “Thu nhập chính của người dân quê em chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nhưng thường gặp tình trạng "được mùa, rớt giá" hoặc ngược lại. Em quyết định học trung cấp nghề, ngành Bảo vệ thực vật với mong muốn sau khi ra trường, được làm việc tại doanh nghiệp bảo vệ thực vật với mức thu nhập ổn định; đồng thời, áp dụng kiến thức đã học, kinh nghiệm thực tế vào đồng ruộng của gia đình, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.
Thời gian đầu, gia đình không đồng ý và muốn em học đại học nhưng sau nhiều lần trình bày, phân tích dự định của bản thân, gia đình đã chấp nhận cho em học nghề”.
Hiện nay, Cơ sở ĐTM đào tạo khoảng 400 HS trung cấp/năm, chỉ đạt gần 60% so với quy mô đào tạo của cơ sở (600-700 HS/năm). Gần đây, kết quả tuyển sinh hàng năm đạt khoảng 70% chỉ tiêu kế hoạch. Nguyên nhân, công tác phân luồng HS tốt nghiệp THCS sang học nghề tuy được các địa phương quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đạt tỷ lệ theo kế hoạch.
Phụ huynh, HS còn nặng quan niệm “trọng thầy hơn thợ”; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư hàng năm nhưng chưa tương xứng với quy mô, mục tiêu đào tạo. Vị trí của cơ sở không gần các khu, cụm công nghiệp của tỉnh nên phần nào chưa thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và HS về học nghề.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng thông tin: “Những năm gần đây, Cơ sở ĐTM có nhiều thay đổi tích cực trong công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho HS sau khi tốt nghiệp.
Trường đã và đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho Cơ sở ĐTM, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc học nghề, góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh, HS; tiếp tục đổi mới hình thức giảng dạy, liên kết với các doanh nghiệp đưa HS, sinh viên đi học tập, thực tập và giới thiệu việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, trường kiến nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác phân luồng HS tốt nghiệp THCS sang học nghề, nhất là khu vực ĐTM”.
Qua thời gian hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở ĐTM được xem là nơi đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho địa phương, vùng ĐTM. Tuy nhiên, hiện nay, công tác đào tạo nghề của cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bởi đây không còn là trách nhiệm của riêng đơn vị, tổ chức nào./.
Minh Thư