Tiếng Việt | English

01/03/2021 - 21:20

Dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn

Dạy nghề miễn phí, cung cấp nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra,... là cách mà Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu (xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đang làm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Hiện nay, tại Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 công nhân, với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng, đồng thời giao nguyên liệu gia công tại nhà cho trên 400 gia đình

Hiện nay, tại Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 công nhân, với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng, đồng thời giao nguyên liệu gia công tại nhà cho trên 400 gia đình

Những ngày cuối tháng 02/2021, chúng tôi về thăm Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu. Nhìn hình ảnh công nhân đang tất bật làm việc, nhà kho được đầu tư khang trang, ít ai biết rằng ông Lê Phước Hậu (chủ Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu) phải trải qua biết bao khó khăn, thậm chí bản thân ông còn định bỏ nghề đan giỏ nhựa truyền thống của gia đình. Được biết, ông Hậu là truyền nhân đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống đan giỏ nhựa. Cũng từ nghề đan giỏ nhựa này, mẹ ông Hậu có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn và có tiền mua đất xây nhà.

Xã hội phát triển, nhiều người chuyển sang sử dụng túi nylon để tiện lợi, từ đó nhu cầu sử dụng giỏ nhựa giảm dần. Trước tình hình này, ông Hậu mạnh dạn tìm đầu ra cho sản phẩm thay vì chỉ tiêu thụ sản phẩm trong nước. Nhờ sự cần cù, chịu khó; đồng thời, sản phẩm chất lượng, ông Hậu tìm được nhiều khách hàng bên Trung Quốc, với số lượng đặt hàng lớn. Tìm được đầu ra ổn định, năm 2002, ông Hậu tổ chức dạy nghề cho lao động nhàn rỗi ở các xã trong huyện; đồng thời, cung cấp nguyên liệu đầu vào và bao tiêu đầu ra.

Ông Hậu cho biết: “Nghề đan giỏ nhựa học rất dễ, chỉ cần chịu khó học 1 ngày là có thể làm được. Hơn hết, nghề này không bó buộc thời gian, rảnh giờ nào làm giờ đó, thích hợp với phụ nữ đang làm công việc chăm sóc gia đình, thu nhập bình quân trên 100.000 đồng/ngày”.

Vừa được đào tạo nghề, vừa tạo việc làm sau khi học nghề, nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhất là có thời gian chăm sóc gia đình. Thấy hiệu quả từ Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu mang lại, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cơ sở mở nhiều lớp dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn trên toàn tỉnh. 

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạnh Hóa - Võ Bảo Toàn chia sẻ: “Hiện nay, nông dân trồng lúa đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, từ đó giảm được công lao động và thời gian làm việc. Vì vậy, để tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, năm 2010, huyện phối hợp Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Tại đây, các học viên vừa được "cầm tay chỉ việc", vừa có thu nhập trong thời gian học nghề nên nhiều người mạnh dạn đăng ký tham gia. Sau khi học nghề, cơ sở cung cấp nguyên liệu cho các học viên đan và thu mua sản phẩm. Nhờ vậy, huyện đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, trong đó tập trung nhiều ở xã Thủy Đông, Thuận Nghĩa Hòa,...”. 

Hiện nay, Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 công nhân, với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng; đồng thời, giao nguyên liệu gia công tại nhà cho trên 400 gia đình. Bà Trịnh Thị Lan, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, bộc bạch: “Trước đây, vợ chồng tôi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Sau đó, cha mẹ lớn tuổi thường xuyên đau ốm, cần người thân chăm sóc nên vợ chồng tôi nghỉ việc về quê vừa làm ruộng, vừa chăm sóc cha mẹ. Song, thu nhập từ làm ruộng không đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình nên tôi có ý định trở lại Bình Dương làm công nhân. Đang dự định đi thì được xã tạo điều kiện học nghề đan giỏ nhựa và tạo việc làm ổn định sau khi học nghề, từ đó tôi có thu nhập 150.000 đồng/ngày. Nhờ số tiền này, gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn, không còn chịu cảnh “thiếu trước, hụt sau”."

Có thể thấy, Cơ sở Đan giỏ nhựa Phước Hậu góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đây được xem là điểm sáng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết