Ngày 06/9/2019, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh có cuộc đối thoại với các thành viên Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông và hộ chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện Đức Hòa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện dự.
Người chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao cần Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn
Còn nhiều khó khăn
Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh thực hiện trên 3 cây: Lúa, rau, thanh long và con bò. Đến nay, chương trình mang lại một số kết quả tích cực. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về số lượng lẫn chất lượng. Người dân thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất, chịu trách nhiệm về sản phẩm làm ra; tăng lợi nhuận, từng bước ổn định cuộc sống gia đình.
Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện đề án nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, thách thức nhất định, nhất là chăn nuôi bò thịt ƯDCNC. “Thuận lợi của HTX là được quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp lãnh đạo, thành viên nâng cao nhận thức hơn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, HTX còn gặp nhiều khó khăn: Thành viên chưa có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; nguồn vốn chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của HTX; tập huấn kỹ thuật còn ít, bộ máy tổ chức còn hạn chế,… HTX kiến nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng một mô hình HTX kiểu mới hiệu quả, có cán bộ quản lý trẻ, giỏi về công nghệ thông tin cũng như nhạy bén trong kinh doanh; hỗ trợ chứng nhận chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP; mua máy siêu âm, kiểm tra việc đậu thai bò,... HTX hiện có 16 thành viên góp vốn điều lệ, tổng đàn bò 182 con” - Giám đốc HTX Chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông - Võ Thanh Quang cho biết.
Ông Lê Thành Hôn, ngụ ấp Giồng Ngang, xã Hòa Khánh Đông, cho biết: “Gia đình chăn nuôi bò theo hướng ƯDCNC, bước đầu được hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, việc chăn nuôi hiện nay chưa có bước đột phá so với trước đây. Chúng tôi kiến nghị cấp trên định hướng, hỗ trợ người chăn nuôi chọn con giống, thức ăn (cụ thể là loại cỏ) phù hợp để chăn nuôi đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, chúng tôi sẽ an tâm chăn nuôi hơn”.
Ông Nguyễn Trường Sơn nêu ý kiến tại cuộc đối thoại
Còn ông Nguyễn Trường Sơn, ngụ xã Hòa Khánh Tây, chia sẻ: “Gia đình tôi định hướng chăn nuôi bò ƯDCNC. Hiện nay, chuồng trại cũng như các bước chuẩn bị đã hoàn tất. Tuy nhiên, gia đình cần cơ quan chuyên môn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tư vấn để lựa chọn con giống, giống cỏ phù hợp để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất”.
Gỡ vướng mắt
Theo Giảng viên Nguyễn Kiên Cường, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, điều kiện quan trọng nhất để thành công trong chăn nuôi bò thịt là quỹ đất. Đất rộng sẽ đáp ứng việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, làm chuồng trại cũng như quy mô tổng đàn. Hiện nay, nhu cầu bò thịt trên thị trường rất lớn. Thuận lợi của huyện là nghề chăn nuôi bò thịt có từ lâu, ổn định. Vì vậy, các ngành chuyên môn tập huấn thêm kỹ năng cho cán bộ thú y (những người trực tiếp với người chăn nuôi), đánh giá lại toàn bộ quá trình sản xuất để có những định hướng phù hợp. Người chăn nuôi trên địa bàn huyện nên chọn 4 loại giống bò: Red Angus, Charolais, BBB (Blanc Bleu Belge), Droughtmaster để phát triển vì qua nghiên cứu thực tế, 4 loại giống này phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, nông dân phải có kế hoạch nhân giống, giữ lại giống bò cho đợt chăn nuôi tiếp theo của gia đình. Nông dân phải tham gia HTX nhưng HTX phải hoạt động hiệu quả như một doanh nghiệp, cung cấp đầy đủ dịch vụ cho các thành viên, kết nạp đa dạng thành viên không chỉ riêng các hộ chăn nuôi, hoạt động theo hướng thị trường (ví dụ doanh thu, lợi nhuận phải thông báo rộng rãi, giữ lại một phần cho HTX hoạt động, phần còn lại chia đều cho các thành viên góp vốn). Ngoài ra, tỉnh cần thống nhất một mô hình HTX (bộ máy như thế nào, hoạt động ra sao, định hướng phát triển,…); đồng thời, đẩy mạnh các chính sách của Trung ương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX hoạt động và phát triển.
Người chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao cần Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn
Đại diện Công ty Cổ phần Thanh Nhân Food (ấp Bình Đông, huyện Tân Trụ) cho biết: Mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn thịt bò tươi. Công ty kinh doanh trên tiêu chí giết mổ bằng dây chuyền công nghệ hiện đại, nguồn thịt bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Công ty sẵn sàng liên kết với HTX Chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông cũng như các hộ chăn nuôi bò thịt khác trên địa bàn huyện, tỉnh để tiêu thụ sản phẩm bò thịt cho người dân.
Đối với 12 vấn đề: Điện sản xuất; chính sách tín dụng chăn nuôi; hỗ trợ thuốc sát trùng chuồng trại; cho cơ chế HTX tự cung cấp giống tinh bò theo yêu cầu của xã viên; thông tin cụ thể chính sách cho người chăn nuôi bò thịt ƯDCNC; cung cấp giống tinh bò chất lượng cao, giống cỏ sản lượng cao phục vụ chăn nuôi bò thịt; tăng cường tuyên truyền trên báo, đài về Luật HTX và kiến thức chăn nuôi; kiến nghị giảm tiêu chí VietGAP; hỗ trợ HTX đào tạo chuyên viên thú y và tiếp cận doanh nghiệp tiêu thụ; cho phép HTX kết nạp xã viên ngoài địa bàn;… Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh thông tin, trả lời cụ thể từng vấn đề. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo từng sở, ngành, địa phương với vai trò, trách nhiệm của mình phải phối hợp, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi bò thịt.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chăn nuôi bò thịt đạt hiệu quả
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh, chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay. Để việc chăn nuôi bò đạt hiệu quả, trước hết, người dân phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ, tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi. Sản phẩm tạo ra phải bảo đảm về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của thị trường.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan để chăn nuôi bò thịt trên địa bàn phát huy được thế mạnh, hiệu quả, góp phần hoàn thành chương trình đề ra; tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước: Vốn vay, tập huấn kỹ thuật, giống,... Hợp tác xã, tổ hợp tác chủ động củng cố vai trò, tổ chức bộ máy, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh sẽ tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ sản phẩm bò thịt cho người chăn nuôi.
|
Thanh Mỹ