Tiếng Việt | English

21/01/2017 - 19:50

Gói bánh chưng để giữ nét văn hóa Việt ở Ai Cập

Với người Việt ở Ai Cập, gói bánh chưng vừa là hoạt động để cộng đồng xum vầy, vừa là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống.

Những ngày này không khí chuẩn bị đón Tết nguyên đán của người Việt rộn ràng muôn nơi, cả trong nước và ngoài nước. Để chuẩn bị cho Tết Đinh Dậu, cộng đồng người Việt tại Ai Cập đã tổ chức một buổi gói bánh chưng. Đây vừa là hoạt động để bà con cộng đồng xum vầy, vừa là dịp để mọi người cùng nhau giữ gìn nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ.


Quang cảnh buổi gói bánh chưng của cộng đồng người Việt ở Ai Cập.

Gói bánh chưng giờ đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập mỗi dịp Tết đến, xuân về. Do có nhiều sự khác biệt về tập tục và văn hóa ẩm thực, vì vậy việc chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng ở Ai Cập là rất khó khăn. Phần lớn nguồn nguyên liệu để gói bánh chưng được Đại sứ quán đưa từ trong nước sang, hoặc nhờ mua ở các nước Châu Âu, nhất là lá dong, lạt dang.

Đại sứ quán thường chọn ngày nghỉ trước Tết khoảng một tuần để gói bánh chưng. Vì thế mọi người trong cộng đồng sẽ tụ tập tại đây từ sáng sớm để chuẩn bị các công đoạn cho gói bánh như làm sạch lá dong, thái thịt, đãi đỗ, vo gạo, chuẩn bị khuôn gói…

Khi gói, mỗi người làm một việc vì thế hơn 30 chiếc bánh chưng được gói xong chỉ trong chốc lát. Đại sứ Đỗ Hoàng Long vừa gói bánh, vừa trò chuyện với bà con trong cộng đồng và giải thích cho các cháu nhỏ về sự tích bánh chưng cũng như những nét văn hóa đẹp trong những ngày Tết của người Việt. Ông còn tỉ mẩn hướng dẫn cách gói bánh chưng cho các cháu nhỏ sao cho bánh vuông, đều và đẹp.

Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho biết: “Như mọi năm, bà con sẽ tập hợp tại Đại sứ quán để đón Tết. Đây cũng là dịp để bà con nhớ lại không khí tết ở Việt Nam, nhất là hướng đến thế hệ tương lại. Đại sứ quán luôn mong muốn xây dựng lại các nét văn hóa truyền thống ngày Tết của Việt Nam tại Ai Cập. Qua đó giúp bà con luôn nhớ và hướng về quê hương đất nước”.

Một nét riêng biệt ở đây chính là bánh chưng dành cho Việt kiều là người Hồi giáo. Vì vậy, nhân bánh chưng được làm bằng thịt bò gầu để khi ăn bánh mềm dẻo mà vẫn có vị béo ngậy của mỡ.

Bạn Lê Phương Thảo, thực tập sinh tại Ai Cập chia sẻ: “Đối với em, năm nay là một cái Tết đặc biệt vì đây là lần đầu tiên em xa nhà. Em rất hạnh phúc khi được sống trong không khí Tết như ở quê nhà qua cảnh gói bánh chưng, chuẩn bị gạo, đỗ và có cả hoa đào. Em thực sự cảm thấy ạnh phúc như đang ở bên gia đình”.

Sau khi được luộc chín, bánh chưng được bảo quản để phục vụ bữa cơm tất niên của cộng đồng vào ngày 30 Tết tại Đại sứ quán. Bên nồi bánh chưng, dường như không khí xuân đang đến gần và làm ấm áp thêm tình cảm, tình đoàn kết gắn bó của cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập./.

Ngọc Thạch, Hồng Quân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết