Tiếng Việt | English

31/12/2018 - 14:31

Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo

Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh Long An nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2018, tỉnh cấp 255.887 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí trên 56 tỉ đồng; cấp 96.793 thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo với kinh phí gần 60 tỉ đồng. Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, không chỉ thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, các địa phương còn hỗ trợ nhiều suất học bổng và quà tặng nhằm tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo đến trường.

Bà Nguyễn Thị Thường có cuộc sống ổn định hơn từ khi có ngôi nhà mới

Bà Nguyễn Thị Thường có cuộc sống ổn định hơn từ khi có ngôi nhà mới

Song song đó, hàng năm, các cấp, các ngành và địa phương vận động xây dựng, sửa chữa hàng trăm nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, giúp người nghèo có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. UBMTTQ, đoàn thể các cấp trong tỉnh phối hợp chính quyền vận động đóng góp Quỹ Vì người nghèo để tặng quà vào các dịp lễ, tết, khám bệnh, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có cuộc sống đầy đủ, ấm cúng hơn.

Là một trong những hộ nghèo được xây tặng nhà tình thương trong năm 2018, bà Nguyễn Thị Thường (SN 1948), ngụ ấp Đá Biên, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, không giấu được niềm vui: “Tôi thường xuyên đau ốm nên không đủ sức lao động. Thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê theo mùa vụ chỉ đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày. Nhờ có sự giúp đỡ của địa phương và mạnh thường quân nên tôi có được mái nhà kiên cố để che mưa, che nắng”.

Bà Nguyễn Thị Lơn (SN 1937), ngụ ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, cũng thuộc diện hộ nghèo, thường xuyên được chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi, tặng quà. Bà Lơn bộc bạch: “Tôi sống một mình lại lớn tuổi, không còn khả năng lao động để kiếm tiền. Mấy năm nay, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Sức khỏe cũng được chăm sóc tốt hơn nhờ có thẻ bảo hiểm y tế”.

Hỗ trợ phát triển sản xuất

Để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, Đảng và Nhà nước chuyển từ chính sách “cho không” sang “cho vay” với lãi suất ưu đãi để người nghèo cố gắng vươn lên trong cuộc sống, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ mà chủ động lao động, sản xuất. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2018, chương trình cho vay hộ nghèo tổng số tiền gần 464 tỉ đồng, với 20.100 hộ còn dư nợ, mức cho vay bình quân gần 24 triệu đồng/hộ. 

Nhờ được vay vốn chăn nuôi, gia đình anh Trần Đinh Sang thoát nghèo bền vững

Gia đình anh Trần Đinh Sang và chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ngụ ấp Bình Tây 1, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, trước đây thuộc diện hộ nghèo do không có đất sản xuất, thu nhập bấp bênh. Anh Sang chia sẻ: “Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vợ chồng tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chăn nuôi bò và sửa chữa nhà ở”.

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, từ 1 con bò ban đầu, đến nay, đàn bò của anh Sang đã tăng lên 5 con. Với số tiền dành dụm được, anh thuê 1,5ha đất sản xuất lúa. Vợ chồng anh còn làm thêm nhiều công việc khác để tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay, dù đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định nhưng anh vẫn được duy trì nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng việc chăn nuôi.

Ngoài cho vay vốn, giúp đỡ về kỹ thuật để phát triển kinh tế, các địa phương còn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường - Lê Thiện An cho biết: “Từ nguồn vốn được hỗ trợ, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân đóng góp khai thông hệ thống kênh nội đồng, nâng cấp cầu, đường giao thông, tạo thuận lợi trong đi lại, sản xuất và vận chuyển nông sản”.

Đường giao thông xã Bình Tân được đầu tư nâng cấp, phục vụ tốt hơn cuộc sống người dân

Được biết, từ năm 2016 đến nay, xã Bình Tân được hỗ trợ xây dựng 5 công trình hạ tầng nông thôn (từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho xã thuộc Chương trình 135). Trong đó, đầu tư mới 2 công trình đường giao thông, 1 công trình thủy lợi; nâng cấp 1 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí trên 870 triệu đồng. 

“Đường sá ngày càng mở rộng, hệ thống đê bao, kênh nội đồng được gia cố, nạo vét thường xuyên, giúp nông dân an tâm sản xuất, không còn phải lo lắng mỗi khi lũ về sớm. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng còn mang lại diện mạo khang trang cho địa phương, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân” - anh Nguyễn Văn Nhanh, ngụ ấp Cái Đôi Tây, xã Bình Tân, phấn khởi nói.

Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, đời sống của người nghèo, cận nghèo có sự đổi thay vượt bậc cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần cùng các địa phương thực hiện chương trình xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết