Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Hơn 4 năm trước, khu vực đất và công trình nhà ở của gia đình ông Đoàn Ngọc Điệp, ấp 4, xã Long Hậu bỗng chốc bị sụp lún, tạo hố sâu hơn 1m. Vì không có đất ở khác, 4 năm qua, gia đình ông vẫn bám trụ. Ông đổ đất, đá, làm vườn và xây công trình phụ, ổn định cuộc sống.
3 căn nhà liền kề trở nên hoang phế sau tình trạng sạt lở
Tuy nhiên, công sức 4 năm qua của gia đình ông bỗng chốc đứng trước nguy cơ đổ xuống sông khi ngày 29/5, phần diện tích đất khoảng hơn 80m2 bị sụp lún nghiêm trọng, đến sát móng nhà. Có khu vực, tình trạng sụp lún sâu đến 0,7m, ăn sâu vào móng nhà kiên cố của gia đình ông.
Ông Điệp cho biết: “Hiện tại, không chỉ gia đình tôi mà tất cả 63 hộ dân khu vực này đều lo lắng không yên vì phần đất giáp sông có thể sụp lún bất cứ khi nào”. Tương tự với ông Điệp, tại nhà ông Tư Tôn, ông Ba Thành, các vết nứt do sụp lún lan rộng ra phần sau căn nhà, một số công trình như nhà vệ sinh, bếp, nhà dưới đứng trước nguy cơ “bị đổ sập do sạt lở”.
Theo các hộ dân, tình trạng sụp lún kéo dài nhiều năm qua, thậm chí cách đây vài năm, liền kề 3 căn nhà sát với cây xăng tại ấp 4 bị “hà bá” nuốt chửng, phải di dời, bỏ lại hoang tàn. Việc sụp lún, sạt lở diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục cũng như chưa định trước được việc di dời, ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã Long Hậu - Trần Văn Hoàng cho biết, toàn bộ khu vực sạt lở đều thuộc ấp 4. Những năm qua, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra. Riêng trong ngày 29/5/2017, có 5 căn nhà thuộc khu vực này bị sụp lún nghiêm trọng. Địa phương cũng tổ chức khảo sát nắm tình hình và phát đi thông điệp cảnh báo nguy cơ sạt lở đối với người dân.
Nửa đêm, ôm con chạy
Khu vực sạt lở nguy hiểm nhất phải kể đến hộ gia đình ông Lê Văn Ba, bà Lê Thị Đẹp và gia đình bà Lê Thị Kim Loan. Vết nứt do sụp lún kéo dài xuyên qua cả 3 căn nhà, khiến toàn bộ phần sau 3 căn nhà như muốn tách khỏi khối nhà xuống dòng sông.
Theo 3 hộ này, cách đây 4 năm, tình trạng sụp lún bắt đầu xuất hiện, mặc dù cả 3 căn nhà đều được xây dựng kiên cố và gia cố hàng năm nhưng tình trạng sụp lún vẫn diễn ra và theo hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bà Lê Thị Kim Loan cho biết: “Giờ muốn di dời cũng rất khó vì mỗi nhà một hoàn cảnh, chưa đủ điều kiện di dời. Ở lại cũng lo lắng, đêm ngủ không yên. Từ đầu năm đến nay, 6 lần gia đình tôi phải ôm con chạy lên trước nhà lúc nửa đêm. Nên giờ mỗi khi ngủ, chỉ cần nghe tiếng động nhẹ là cả gia đình tôi đêm đó hồi hộp không yên”.
Còn ông Lê Văn Ba cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều hơn 80 tuổi, ngày trước ngủ phía sau nhà nhưng thấy nguy hiểm quá, các con không còn cho ngủ ở đó nữa!”. Tương tự khu vực gia đình ông Ba, do phần sụp lún ăn sâu vào móng nhà nên cả gia đình ông Đoàn Ngọc Điệp tối cũng không còn dám ngủ tại căn nhà kiên cố mà cùng nhau ngủ tại căn nhà cấp 4 để có bề gì dễ dàng di chuyển.
Người dân chưa thể di dời
Trước việc mất an toàn từ tình trạng sạt lở, mong muốn của 63 hộ dân nơi đây là được di dời để ổn định cuộc sống cũng như yên tâm làm ăn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh của đa số các hộ dân khó khăn nên việc di dời ra khu vực tái định cư mới vẫn chưa thể thực hiện nếu không có những chính sách hỗ trợ từ các cấp chính quyền.
Các vết nứt lan rộng trong căn nhà của bà Lê Thị Kim Loan
Bà Huỳnh Thị Dứt nói: “Chúng tôi cũng muốn di dời lắm, nhưng khổ nỗi, điều kiện chưa đủ, nên chưa thể đi. Hiện nay, giá đất tại khu tái định cư được hỗ trợ nhưng cũng ở mức 5-6 triệu đồng/m2. Với giá đó, muốn di dời, chúng tôi phải có trong tay ít nhất 500 triệu đồng để mua đất, rồi còn tiền
xây nhà, chúng tôi không xoay sở được”.
Hay như kiến nghị của bà Lê Thị Kim Loan, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện như hỗ trợ giá đất, cho phương án trả chậm để người dân có điều kiện ổn định cuộc sống khi di dời ra nơi ở mới.
Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Long Hậu - Trần Văn Hoàng cho biết: “Tình trạng sạt lở tại khu vực ấp 4, địa phương nắm nhiều năm qua và cũng đề xuất những phương án để ổn định cuộc sống của người dân. Riêng khu vực xây dựng khu dân cư tại địa phương, chúng tôi cũng đề xuất chủ đầu tư dành riêng 63 nền đất với giá ưu đãi cho các hộ dân tái định cư thuộc khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở”.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, hiện nay, việc thực hiện di dời còn gặp khó khi giá đất tại khu vực dành cho tái định cư của các hộ dân còn cao, ở mức 5 triệu đồng/m2, khiến người dân chưa thể di dời. “Hiện tại, địa phương cũng kiến nghị UBND huyện Cần Giuộc đề nghị chủ đầu tư giảm giá và hỗ trợ người dân khu vực sạt lở trả chậm nhưng đến nay chưa có phản hồi chính thức” - ông Hoàng cho biết thêm.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, đầu tháng 6, UBND huyện làm việc với chủ đầu tư khu tái định cư để thống nhất giá đất và chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân thuộc khu vực sạt lở; đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng thiết yếu như điện, nước để người dân khi nhận nền đất có thể sớm ổn định cuộc sống.
Còn hiện tại, huyện cũng chỉ đạo xã thường xuyên nắm tình trạng sạt lở, cử lực lượng sẵn sàng hỗ trợ di dời tài sản cho các hộ dân khi xảy ra tình trạng sạt lở. Bên cạnh đó, huyện cũng nâng mức hỗ trợ đối với các gia đình bị ảnh hưởng như sụp lún, sập nhà, tùy mức độ, mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/trường hợp. Còn về lâu dài, khu vực này vẫn cần xây dựng bờ kè để bảo vệ kết cấu hạ tầng, giao thông nhưng đến nay, sau nhiều lần kiến nghị vẫn chưa được các cơ quan Trung ương chấp thuận./.
Kiên Định