Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 27/7, Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thước dây nhập khẩu từ Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, Công ty FMI Limited, Ludhiana của Ấn Độ đã có đơn khởi kiện lên DGAD đề nghị điều tra chống bán phá giá sản phẩm thước dây mã HS 9017; 9017.80; 9017.90 trong giai đoạn từ 1/4/2014 – 31/3/2015 đồng thời xem xét thiệt hại từ ngày 1/1/2011 – 31/3/2015.
DGAD sơ bộ cho rằng, đã có bằng chứng về việc bán phá giá của sản phẩm thước dây nhập khẩu và hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ.
Theo thông báo của DGAD, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu mà DGAD đã biết sẽ được gửi thư thông báo và yêu cầu trả lời bản câu hỏi điều tra. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có 40 ngày kể từ khi DGAD ban hành thư thông báo này để nộp bản trả lời câu hỏi và đưa ra các bình luận của mình.
Một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá. (Ảnh: VCA)
Đối với các bên liên quan khác DGAD không gửi thư thông báo, cũng có thể gửi các bản bình luận và cung cấp thông tin cho DGAD trong vòng 40 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra. Cụ thể, hạn cuối dành cho các bên liên quan khác là ngày 5/9/2015.
Trong trường hợp không nhận được phản hồi/bản trả lời trong thời gian nêu trên hoặc doanh nghiệp không hợp tác, cơ quan điều tra sẽ dựa trên các dữ kiện có sẵn để đưa ra kết luận về vụ việc.
Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), lượng xuất khẩu mặt hàng thước dây của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014 đạt khoảng 4,7 triệu đơn vị sản phẩm đối với mã 9017.80 và khoảng 3 tấn đối với mã 9017.90 (tổng trị giá khoảng 1 triệu USD) – xếp thứ 2 về lượng trong các quốc gia xuất khẩu sang Ấn Độ.
Cơ quan biên mậu Canada (CBSA) mới đây cũng đã quyết định, gia hạn thời gian đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc: Tái điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu (OCTG) của một số quốc gia trong đó có Việt Nam.
Theo dự kiến ban đầu, CBSA sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 30/9/2015, tuy nhiên do nhiều vấn đề phức tạp và mới phát sinh trong vụ việc tái điều tra nên CBSA đã quyết định gia hạn ra kết luận cuối cùng thêm 75 ngày. Theo đó, vụ việc sẽ kết thúc vào ngày 14/12/2015.
Trước đó ngày 4/5/2015, CBSA đã quyết định khởi xướng vụ việc tái điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống OCTG nhập khẩu từ một số quốc gia trong đó có Việt Nam. CBSA xác định mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống OCTG nhập khẩu từ Việt Nam là 37,4%.
Đầu tháng 8, Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) đã đăng công báo số 29417 về việc tiến hành rà soát điều tra chống bán phá giá với sản phẩm săm lốp xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Việt Nam và săm lốp xe máy nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, công ty Anatolia Rubber Ind. and Trade. Inc đã đề nghị Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra sản phẩm săm lốp xe máy mã HS: 4011.40 và 4012.90 nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đã nhận được những đơn yêu cầu tiếp tục biện pháp chống bán phá giá với lý do nếu dừng biện pháp này lại thì ngành sản xuất nội địa sẽ tiếp tục bị thiệt hại đáng kể.
Trước đó, năm 2004 Thổ Nhĩ Kỳ đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm nêu trên nhập khẩu từ Việt Nam; Năm 2010 Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục rà soát và áp thuế với mức lốp xe đạp từ 30% - 44%; lốp xe máy từ 29%-49%.
Trong thông báo của Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, thời hạn trả lời bản câu hỏi dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu của các nước bị điều tra là 37 ngày kể từ ngày gửi bản câu hỏi điều tra. Các bên quan tâm có thể đưa ra ý kiến và các văn bản liên quan khác trong vòng 37 ngày kể từ ngày 15/7/2015./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN